Trung Quốc mở cửa thị trường ô tô

Thuỵ Vân 01/05/2018 12:32

Việc Trung Quốc tuyên bố mở cửa thị trường ô tô đã và đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các đối tác thương mại, đặc biệt là các tập đoàn ô tô nước ngoài đang hoạt động tại đây.

Sau tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã chính thức thông báo mở cửa hoàn toàn thị trường ô tô của nước này.

p/Năm 2017, số lượng ô tô của Trung Quốc bán ra là 28,9 triệu chiếc, trong đó ô tô nước ngoài chiếm 55%.

Năm 2017, số lượng ô tô của Trung Quốc bán ra là 28,9 triệu chiếc, trong đó ô tô nước ngoài chiếm 55%.

Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài

Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực chế tạo ô tô ở Trung Quốc sẽ không còn phải bắt buộc phụ thuộc vào đối tác bản địa ở Trung Quốc, thời gian cụ thể đối với xe tải là năm 2020, đối với xe ô tô con là năm 2022.

Từ trước tới nay, các hãng chế tạo ô tô nước ngoài muốn đầu tư sản xuất ô tô ở thị trường Trung Quốc bắt buộc phải hợp tác với một đối tác của Trung Quốc và không được chiếm tỷ lệ sở hữu quá nửa, tức là không được toàn quyền quyết định và kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh ở Trung Quốc. NDRC còn cho biết, riêng đối với các loại ô tô điện thì ngay trong năm 2018 sẽ không còn bất kỳ hạn chế nào về mức độ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Trung Quốc.

Thông báo này của NDRC là bước cụ thể hóa tuyên bố của ông Tập Cận Bình tại Diễn đàn kinh tế Bắc Ngao vừa qua về mở của thị trường Trung Quốc. Tại đó, ông Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc chủ trương giảm thuế quan đối với nhập khẩu ô tô, mở cửa thị trường mạnh mẽ hơn và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với ngành công nghiệp ô tô. Từ giác độ chính sách kinh tế nói chung, chủ trương này của Trung Quốc đánh dấu bước chuyển biến rất quan trọng nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và ngăn ngừa tranh chấp thương mại với các đối tác. Đối với lĩnh vực chế tạo xe ô tô thì quyết sách này lại càng quan trọng hơn, bởi Trung Quốc là thị trường xe ô tô lớn nhất thế giới mà thuế nhập khẩu hiện tại ở mức cao 25%. Nhờ việc nới dần những hạn chế trong thời gian qua, mà tỷ lệ xe ô tô nước ngoài ở Trung Quốc đã tăng khá mạnh. Theo số liệu của Trung Quốc, năm 2017 số lượng xe ô tô được bán ra là 28,9 triệu chiếc, trong đó tỷ lệ xe ô tô của nước ngoài chiếm khoảng 55%.

Xoa dịu căng thẳng thương mại với Mỹ

Mở cửa thị trường ô tô đồng nghĩa với cạnh tranh quốc tế tự do, bình đẳng và khốc liệt hơn. Thông thường, các nước đều không mở cửa thị trường hoàn toàn ngay một lúc mà theo lộ trình từng bước để hỗ trợ sản xuất nội địa. Trung Quốc cũng phải sau nhiều năm mới tự tin mở cửa hoàn toàn thị trường xe ô tô.

Thời điểm Trung Quốc đưa ra điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chế tạo ô tô càng đáng được chú ý hơn khi nhìn vào thực trạng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa mới quyết định áp thuế quan cao đối với sản phẩm thép và nhôm của nhiều đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ, trong đó có Trung Quốc. Ngoài ra, ông Trump còn nhằm vào nhiều mặt hàng xuất khẩu khác của Trung Quốc. Phía Mỹ còn cáo buộc Trung Quốc cạnh tranh không lành mạnh, trợ giá xuất khẩu bằng nhiều hình thức, vi phạm quy định chung về bảo hộ bản quyền phát minh và sáng chế cũng như không mở cửa thị trường.

Trong khi đó, Trung Quốc trả đũa Mỹ cũng không kém phần quyết liệt. Nhưng cũng có thể thấy, quyết định mở cửa thị trường ô tô của Trung Quốc rất có lợi cho nhiều hãng sản xuất ô tô của Mỹ, trước hết là hãng Tesla. Điều này chắc chắn sẽ làm cho ông Trump không thể không hài lòng. Bởi chủ ý của Trung Quốc không muốn làm cho cuộc xung đột thương mại với Mỹ cứ tiếp tục trầm trọng và gay cấn thêm cũng như tạo bầu không khí chính trị thuận lợi cho những cuộc đàm phán tới đây với Mỹ về thương mại. Hơn nữa, Trung Quốc buộc phải quyết định như vậy để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện tại.

Bài học cho Việt Nam

Hiện nay, đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô thương hiệu ngoại đối với Việt Nam là rất đáng ghi nhận, nhưng mặt trái của vấn đề này là sự đóng góp này không bền vững. Bởi khi thương hiệu nước ngoài thu hẹp sản xuất, hay rút khỏi thị trường Việt Nam như đã từng xảy ra ở Australia thì thiệt hại cho nền kinh tế sẽ rất lớn.

Nếu Việt Nam có thương hiệu ô tô nội địa thì có thể đã không rơi vào thế mất chủ động như hiện nay. Đó cũng là lý do, Chính phủ đã có nhiều giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp ô tô thương hiệu Việt Nam. Bởi khi Việt Nam có thương hiệu ô tô quốc gia, thì sẽ sở hữu một nền công nghiệp ô tô tự chủ, giúp đảm bảo được việc làm ổn định cho hàng trăm nghìn lao động.

Hơn nữa, thương hiệu ô tô quốc gia có thể sẽ giúp tạo ra hàng tỷ USD đóng góp cho ngân sách thông qua nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp sản xuất ô tô, doanh nghiệp ngành công ngiệp hỗ trợ và cả người tiêu dùng.
Bởi vậy, mọi kỳ vọng đang đổ dồn vào VinFast- thương hiệu ô tô do Vingroup đang xây dựng và phát triển. Vingroup đã và đang áp dụng mô hình cũng như các bài học kinh nghiệm của các tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới. Đó là tín hiệu tích cực để có thể kỳ vọng sự thành công của Vinfast trong tương lai. Sự thành công của Vinfast chắc chắn sẽ mở ra hướng đi mới của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Thuỵ Vân