Đàm phán thương mại Mỹ - Trung kết thúc chưa trọn vẹn
Hai ngày đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc ở Bắc Kinh với một thỏa thuận sẽ tiếp tục được thảo luận thêm.
Tân Hoa Xã đưa tin, hai bên đã đạt được một sự đồng thuận về một số vấn đề thương mại, nhưng thừa nhận vẫn còn một số bất đồng giải quyết. Dù Tân Hoa Xã không cung cấp chi tiết cụ thể về thời điểm họ sẽ bắt đầu đàm phán lại nhưng hai nước sẽ tiếp tục thảo luận một số điều khoản trong tương lai. Cả hai bên đều không tổ chức họp báo với giới truyền thông và phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu đã rời Bắc Kinh vào buổi tối ngày 4/5.
Vấn đề đặt ra lúc này là liệu Mỹ có nhượng bộ để trì hoãn mức thuế lên tới 150 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc hay không.
“Sự bất đồng về các thực tiễn thương mại dồn nén trong hơn hai thập kỷ qua sẽ mất nhiều hơn hai ngày để giải quyết”, ông Shane Oliver, Giám đốc chiến lược đầu tư tại AMP Capital Investors ở Sydney cho biết và nhấn mạnh, một giải pháp được thương lượng vẫn có nhiều khả năng xảy ra nhất nhưng sẽ mất nhiều thời gian đàm phán.
Bước vào các cuộc đàm phán, hai bên đã vạch ra một loạt các yêu cầu cứng rắn, với Mỹ tập trung vào việc giảm thâm hụt hàng hóa với Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục 375 tỷ USD vào năm ngoái.
Phái đoàn Mỹ yêu cầu Trung Quốc cắt giảm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, cho phép các công ty Mỹ được tiếp cận không phân biệt đối xử vào thị trường Trung Quốc và cắt giảm thâm hụt thương mại ít nhất 200 tỷ USD vào cuối năm 2020. Mỹ cũng kêu gọi Trung Quốc tránh bất kỳ sự trả đũa nào, từ bỏ các vụ kiện với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đồng ý đánh giá hàng quý về tiến độ của Trung Quốc.
Phía Trung Quốc, dẫn đầu bởi Phó Thủ tướng Liu He, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình, đã yêu cầu Mỹ chấm dứt cuộc điều tra nhằm vào việc lạm dụng sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, bỏ kế hoạch áp dụng thuế quan 25% đối với hàng hóa Trung Quốc, chấm dứt phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc trong các đánh giá an ninh quốc gia, và mở cửa thị trường thanh toán điện tử.
Trung Quốc cũng cảnh báo rằng các công ty Mỹ có thể bị loại khỏi thị trường nội địa của mình, bất kỳ động thái nới lỏng các hạn chế đầu tư nào có thể sẽ không áp dụng cho các doanh nghiệp Mỹ nếu chính quyền Trump không đồng ý đối xử tương tự với các công ty Trung Quốc.
Trước thềm các cuộc đàm phán, Tổng thống Trump tỏ ra tích cực, nói trong một dòng tweet rằng “đội ngũ đàm phán kinh tế lớn đang ở Trung Quốc cố gắng thương lượng một sân chơi bình đẳng về thương mại!”.
Trung Quốc cũng tỏ ra cứng rắn. Một quan chức cấp cao cho biết chính phủ của ông Tập sẽ không chấp nhận các điều kiện tiên quyết của Mỹ cho các cuộc đàm phán như cắt giảm thâm hụt thương mại 100 tỷ USD...
"Yêu cầu cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ là vô căn cứ, và không thể được thực hiện bởi chính phủ Trung Quốc", ông Weiwen, Phó giám đốc Trung tâm Toàn cầu hóa ở Bắc Kinh và là cựu quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết và nhấn mạnh, điều tốt là hai bên đã quyết định tiếp tục nói chuyện, mặc dù không thể loại trừ khả năng một cuộc chiến thương mại xảy ra.
Trước đó, hai nước vốn đã đình chỉ các cuộc đàm phán kinh tế cấp cao vào năm ngoái, có vẻ đưa ra những tín hiệu sự lạc quan. Họ đã nhất trí rằng một mối quan hệ thương mại "lành mạnh và ổn định" là rất quan trọng, và dự định "thiết lập một cơ chế làm việc tương ứng.
Tuy nhiên, bất cứ thỏa thuận nào dường như là một tương lai khá xa. "Mỹ đã hành động thiếu sáng suốt bằng cách yêu cầu quá nhiều”, ông Brian Jackson, Giám đốc phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại Medley Global Advisors nói và cho biết: Mỹ yêu cầu cắt giảm thâm hụt 200 tỷ USD trong một khoảng thời gian rất ngắn. Đối với tôi, đó là một thỏa thuận không thể chấp nhận được với người Trung Quốc. Nếu bạn bắt đầu bằng một yêu cầu cực đoan như vậy, bạn biết là bạn không thể đi đến đâu.