Bài học từ thỏa thuận thương mại Mỹ- EU

Thuỵ Vân 05/05/2018 16:16

Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng việc không khoan nhượng với Liên minh châu Âu (EU) về thương mại nhằm khuất phục các đối tác thương mại khác của Mỹ.

Có thể bạn quan tâm

  • Đàm phán thương mại Mỹ - Trung kết thúc chưa trọn vẹn

    Đàm phán thương mại Mỹ - Trung kết thúc chưa trọn vẹn

    04:30, 05/05/2018

  • Quốc gia nào chịu ảnh hưởng từ xung đột thương mại Mỹ- Trung?

    Quốc gia nào chịu ảnh hưởng từ xung đột thương mại Mỹ- Trung?

    11:41, 04/05/2018

Tổng thống Trump vừa quyết định lùi việc áp đặt thuế lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ EU thêm 30 ngày (cho tới ngày 1/6), đồng thời đề xuất với EU khả năng hoãn thực thi quyết định trong các cuộc đàm phán sắp tới.

p/Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa quyết định lùi thời hạn áp thuế thép và nhôm đối với EU đến ngày 1/6/2018. (Tổng thống Donald Trump công bố sắc lệnh tăng thuế thép và nhôm nhập khẩu vào nước Mỹ.p/ẢNH: REUTERS)

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa quyết định lùi thời hạn áp thuế thép và nhôm đối với EU đến ngày 1/6/2018. (Tổng thống Donald Trump công bố sắc lệnh tăng thuế thép và nhôm nhập khẩu vào nước Mỹ. ẢNH: REUTERS)

Đối đầu không khoan nhượng

Trong khoảng thời gian nói trên, nếu EU vẫn không chịu đáp ứng những điều kiện của Mỹ về giảm thuế quan đối với hàng hoá của Mỹ xuất khẩu vào EU, thì Mỹ sẽ áp thuế quan nói trên với EU. Ông Trump đưa ra quyết định này có phần gây bất ngờ, bởi ngay cả khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lẫn Thủ tướng Đức Angela Merkel sang Mỹ đều không thuyết phục được ông Trump nhượng bộ với EU về khoản thuế quan này.
Trong khi tiếp tục chuẩn bị những biện pháp trả đũa Mỹ nếu bị Mỹ áp thuế quan, EU vẫn chưa từ bỏ ý định thuyết phục Mỹ chấp nhận đàm phán với EU về việc này. Câu hỏi được đặt ra ở đây là ông Trump tiếp tục cuộc chơi này với EU thêm một tháng nữa hay đã bắt đầu một cuộc chơi mới với EU về thương mại.
Chính sách bảo hộ thương mại luôn được ông Trump ưu tiên áp dụng cùng với khẩu hiệu "Nước Mỹ là trên hết". Do tác dụng đối nội và hiệu ứng dân tuý của chính sách này ở Mỹ, sẽ không có chuyện ông Trump chịu nhượng bộ EU khi chưa được phía EU đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, EU lại không thể đáp ứng mọi điều kiện của Mỹ, bởi nếu EU làm như vậy, ông Trump sẽ biến tiền lệ thành thông lệ và sẽ không dừng lại ở sản phẩm thép và nhôm.

Trên thực tế, bất đồng thương mại giữa Mỹ và EU không chỉ là chuyện liên quan đến sản phẩm thép và nhôm. Năm ngoái, EU xuất khẩu sản phẩm thép và nhôm sang thị trường Mỹ chỉ với giá trị 6 tỷ USD, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu của EU sang Mỹ hơn 300 tỷ USD, tức là tỷ trọng của sản phẩm thép và nhôm của EU trong thâm hụt cán cân thương mại của Mỹ với EU chỉ là rất nhỏ. Từ đó có thể thấy, việc áp dụng những biện pháp bảo hộ mậu dịch của chính quyền Trump nhằm vào sản phẩm thép và nhôm của EU xuất sang thị trường Mỹ chỉ là cái cớ. Ông Trump chỉ muốn thể hiện điều đó cho người dân Mỹ thấy mình kiên định và triệt để như thế nào với việc thực hiện khẩu hiệu "Nước Mỹ là trên hết".

Kinh nghiệm cho các đối tác của Mỹ

Ông Trump và cộng sự ý thức được rất rõ rằng, EU, giống như các đối tác khác, sẽ trả đũa Mỹ nếu Mỹ gây thiệt hại cho họ. Nhưng rõ ràng ông Trump coi trọng cái trước mắt hơn cái lâu dài. Mấy tháng nữa sẽ có cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ và ông Trump đang hướng mọi quyết sách cầm quyền vào đó để bảo vệ được quyền kiểm soát lưỡng viện lập pháp của Đảng Cộng hoà. Điều này lý giải vì sao ông Trump hiện không có ý định giải quyết dứt điểm và lâu dài chuyện xung đột thương mại với EU mà duy trì nó, kéo dài nó và dền dứ nó. Cứ tiếp tục gây áp lực với EU như thế, cứ tiếp tục buộc EU phải tuân thủ Mỹ như thế, ông Trump sẽ có được sự ủng hộ ngày càng tăng ở Mỹ. Đặc biệt, ông Trump dùng việc không khoan nhượng với EU để khuất phục các đối tác kinh tế và thương mại khác của Mỹ trong chuyện này. Cho tới nay, Hàn Quốc đã bị Mỹ “thuần chế”. Tới đây rất có thể Argentina, Australia và Brazil cũng sẽ vậy. Mexico và Canada đang đàm phán với Mỹ về NAFTA.

Động thái của Mỹ đối với EU được phía Mỹ đặt trong cuộc đối đầu chung với các đối tác khác về thương mại. Cái mới ở đây là phía Mỹ không chỉ sử dụng thuế quan bảo hộ mà còn sử dụng cả hạn ngạch thương mại, tức là vô hiệu hoá mối quan hệ giữa cung và cầu trên thị trường. Trong khi đó, hạn ngạch thương mại đã bị xoá bỏ hoàn toàn trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và ngay cả ở thời hiệp ước GATT- tiền thân của WTO, thì hạn ngạch thương mại cũng chỉ là những trường hợp ngoại lệ.

Bởi vậy, không chỉ EU mà tất cả các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ nói chung và Việt Nam nói riêng đều phải rút ra 2 bài học từ những quyết sách của ông Trump về thương mại. Thứ nhất, ông Trump tuy vẫn thay đổi quan điểm nhưng đã chứng tỏ đã nói là làm. Do đó, các đối tác phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó với mọi tình huống và mọi kịch bản có thể xảy ra. Thứ hai, nếu càng có ít con át chủ bài trong tay để trả đũa Mỹ thì các đối tác càng cần nhanh chóng thể chế hoá các lĩnh vực hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại song phương với Mỹ, đồng thời càng nên có cách tiếp cận rất thực dụng và linh hoạt theo kiểu tư duy chính sách và suy tính lợi ích rất đặc thù của ông Trump để tránh xung đột thương mại với Mỹ, nhưng có lợi cho mình.

Thuỵ Vân