Bùng nổ cuộc chiến chống áp đặt thuế quan của Mỹ

Phương Thảo 09/05/2018 04:20

Sự phản đối thuế quan nhập khẩu nhôm và thép mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng vào tháng 3 vừa qua đang gia tăng trên toàn thế giới.

Thuế quan nhôm thép của Mỹ đang nhận phải sự phản đối của các nước trên thế giới.

Thuế quan nhôm thép của Mỹ đang nhận nhiều sự phản đối của các nước trên thế giới.

Ấn Độ, nước xuất khẩu thép lớn thứ 10 thế giới về giá trị, đang cân nhắc các biện pháp đối phó, bao gồm khả năng thách thức Mỹ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong khi đó, Thái Lan đã yêu cầu Washington miễn trừ mình khỏi thuế quan, còn một công ty Nga đang đưa vấn đề này ra tòa tại Mỹ.

Một số đối tác thương mại khác của Mỹ cũng cảm thấy mình bị đối xử một cách không công bằng khi không được đưa vào danh sách các quốc gia được miễn thuế.

“Chúng tôi sẵn sàng và hoàn toàn có khả năng bảo vệ lợi ích thương mại của Ấn Độ, bao gồm thông qua các quy định của WTO”, ông Suresh Prabhu, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Nikkei Asian Review.

Xuất khẩu thép của Ấn Độ đạt 14,6 tỷ USD và xuất khẩu nhôm đạt 3,2 tỷ USD trong năm ngoái, trong đó 11% được xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, việc áp thuế của Mỹ sẽ có tác động lớn đến Ấn Độ.

Ông Nuntawan Sakuntanaga, Thư ký thường trực của Bộ Thương mại Thái Lan cho rằng xuất khẩu thép và nhôm của Thái Lan chỉ chiếm một phần nhỏ của thị trường Mỹ. "Bangkok đã thực hiện các biện pháp để đảm bảo thép và nhôm từ các nước thứ ba không được xuất khẩu sang Mỹ thông qua Thái Lan", ông Sakuntanaga cho biết.

Ngoài hai nước Ấn Độ và Thái Lan, Bộ Công Thương của Nga đang ước tính thiệt hại từ chính sách bảo hộ thương mại của Trump lên đến ít nhất 2 tỷ USD cho thép và 1 tỷ USD cho nhôm.

Một công ty con của Severstal, công ty sản xuất thép khổng lồ của Nga, đã đệ đơn kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, yêu cầu Washington phải tạm dừng thuế quan. Trong khi đó, Rusal, một nhà sản xuất nhôm lớn của Nga, khẳng định xuất khẩu của doanh nghiệp này chủ yếu cho các ngành công nghiệp thiếu hụt nhôm, nên không gây ra mối đe dọa cho các nhà sản xuất Mỹ.

EU, vốn được miễn thuế cho đến ngày 1 tháng 6, cũng đã chỉ trích các biện pháp của Mỹ. "EU nên được miễn trừ toàn bộ và vĩnh viễn khỏi các biện pháp này", Ủy ban châu Âu cho biết trong một tuyên bố mới đây.

Đối với Trung Quốc, vào đầu tháng 4, họ đã đệ đơn khiếu nại lên WTO về thuế quan của Mỹ nhằm vào một số sản phẩm nhất định của Trung Quốc.

Hiện nay Ấn Độ, Thái Lan, Nga, EU và Hồng Kông đã chính thức đăng ký tham gia các cuộc tham vấn do Trung Quốc yêu cầu. “Các bên tranh chấp có quyền quyết định cách các nước khác có thể tham gia, bao gồm cơ hội để phát biểu và thời gian họ có thể có mặt trong các phiên họp”, chuyên gia về giải quyết tranh chấp thương mại Junko Suetomi của công ty luật Baker & McKenzie cho biết.

Trước đó, Mỹ đã áp đặt mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu vào Mỹ. Quyết định này đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì đi ngược lại các quy tắc của WTO.

Sau khi đàm phán, Washington đã quyết định miễn trừ Hàn Quốc, Argentina, Brazil và Australia. Hiện nay, Mỹ vẫn đang tiếp tục các cuộc đàm phán như vậy với Canada, Mexico và Liên minh châu Âu- những nước và khu vực tạm thời được miễn thuế.

Phương Thảo