Các nước phương Tây như “ngồi trên đống lửa” vì Putin nhậm chức?

Sông Hàn 09/05/2018 19:22

Việc nhậm chức thêm một nhiệm kỳ Tổng thống của Putin đã khiến cho các nước phương Tây như “ngồi trên đống lửa”.

Những ngày qua, cả thế giới hướng con mắt về nước Nga khi “xứ sở bạch dương” diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng. Tổng thống Nga Putin thực hiện lễ nhậm chức nhiệm kỳ 4 tại Đại điện Kremlin vào chiều 7/5.  Chỉ vài giờ sau một sự kiện quan trọng không kém là Tổng thống Nga Putin tiếp tục giới thiệu ông Medvedev tiếp tục làm Thủ tướng.

Tổng thống Nga Putin tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 4

Tổng thống Nga Putin tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 4.

Có thể bạn quan tâm

  • Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo “hỗn loạn” toàn cầu

    Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo “hỗn loạn” toàn cầu

    15:19, 16/04/2018

  • Putin "đấu" Phương Tây và lá bài của Nga

    06:00, 29/03/2018

  • Kinh tế Nga dưới thời Putin sẽ ra sao trong 6 năm tới?

    05:30, 20/03/2018

  • Chiếc ghế Tổng thống Nga tiếp tục gọi tên ông Vladimir Putin

    07:53, 19/03/2018

Và hôm nay (9/5) nước Nga tổ chức Lễ kỷ niệm 73 năm Ngày Chiến thắng phát xít trong Cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại với một lễ duyệt binh quy mô lớn tại Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Moscow có sự tham gia của 12.500 quân nhân và hàng trăm khí tài quân sự.

Với sự ổn định, uy tín trên chính trường trong nước và có tầm ảnh hưởng trên thế giới, việc ông Vladimir Putin trúng cử nhiệm kỳ 4 như là lẽ tất nhiên. Trước ông, nền chính trị, tư tưởng thế giới cũng chỉ có một vài người liên tiếp làm được điều đó. Cụ thể như:

Franklin D. Roosevelt được bầu làm Tổng thống Mỹ 4 lần liên tiếp, vượt trên khuôn khổ của Hiến Pháp, tạo ra một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong đời sống chính trị tại xứ cờ hoa.

Hay như Konrad Adenauer được bình chọn là “Người Đức vĩ đại nhất mọi thời đại”, còn Charles de Gaulle được tôn vinh là “Huyền thoại chính trị vĩ đại nhất trong thế kỷ 20” của nước Pháp.

Khác nhau ở chỗ là, các cố Tổng thống Mỹ, Pháp, Đức nói trên họ tài giỏi vì họ vực dậy nền kinh tế của đất nước. Nhưng họ đều có đồng minh vững chắc và không có kẻ thù phá hoại. Còn đối với Tổng thống Putin ngoài việc phát triển nền kinh tế đất nước, ông còn phải bảo vệ hòa bình thế giới nói chung và nước Nga nói riêng khỏi nhiều thế lực cố tìm mọi cách để phá hoại nước Nga từ bên trong lẫn bên ngoài.

Mặt khác, thực tế cho thấy thế giới bước vào thế kỷ 21, tưởng như sẽ chẳng có nhà tư tưởng nào mới được công nhận ngoài những “chủ thuyết, học thuyết" hoặc các khẩu hiệu, slogan tranh cử sặc mùi “quốc gia chủ nghĩa”, mà chẳng thèm để ý nhân loại nói chung và láng giềng nói riêng sống, làm việc ra sao? Chưa kể, nhiều nước tự mình đặt ra “luật chơi” riêng và vận dụng “tiêu chuẩn kép” trong quan hệ, ứng xử..., làm rối loạn mọi giá trị công bằng, cổ súy  cho quan niệm “chân lý thuộc về kẻ mạnh”. Đó là nguồn cơn cho những cuộc chiến tranh, nội chiến ở nhiều nước: Libya, Syria, Iraq...

Bởi vậy, việc nhậm chức thêm một nhiệm kỳ tổng thống của Putin càng khiến cho các nước phương Tây như “ngồi trên đống lửa”. Còn nhớ nhân dịp tròn 5 năm ông Putin ngồi trên ghế Tổng thống Nga nhiệm kỳ 3, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đã cho rằng Tổng thống Putin là mối đe doạ nghiêm trọng nhất với phương Tây. “Putin là mối đe dọa hàng đầu và nguy hiểm nhất. Tôi nghĩ IS có thể gieo rắc kinh hoàng cho nhân loại, nhưng điều đó không là gì so với cố gắng của nhà lãnh đạo Nga phá hủy nền tảng của nguyên tắc dân chủ” - Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói.

Thế nhưng, dưới con mắt của đại đa số người ở nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như nhiều nhà phân tích chính trị thì ông Putin không hề cổ vũ bạo lực tấn công vào dân chủ. Ông Putin cũng không xây dựng học thuyết để phủ định “nguyên tắc dân chủ”, nhưng lại tạo ra cơ hội cho các nước vùng lên đòi công bằng, làm mất đi khả năng can thiệp chính trị, quân sự, xâm lược của các nước dân chủ truyền thống phương Tây.

Nó góp phần trả lời cho câu hỏi: Tại sao dưới con mắt của phương Tây, nhất là người Mỹ, Tổng thống Putin lại có thể phá huỷ “nguyên tắc dân chủ” truyền thống phương Tây? Đơn giản một điều, cái gọi là “nguyên tắc dân chủ” truyền thống phương Tây không tạo ra dân chủ thực sự rộng rãi trên toàn thế giới, mà chỉ tạo ra một nhóm/tổ chức các nước có các ưu thế riêng để đi áp bức, bóc lột các nước khác.

Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố rằng: “Nga sẽ phải tự đứng trên đôi chân của mình và rũ bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào phương Tây”.  Và sau khi nhậm chức, ông tiếp tục nhấn mạnh “sẽ làm hết sức mình để phụng sự người dân Nga, bảo đảm tự do và chủ quyền của đất nước”.

Muốn được như vậy, cần lắm một sự ổn định từ mặt “kiến trúc thượng tầng”. Nhân dân Nga đã tin tưởng ông và ông Putin tiếp tục hướng sự ổn định cho nội các của mình khi chọn ông Medvedev làm Thủ tướng. Việc này cho thấy ông Putin muốn duy trì sự ổn định làm nền tảng cho những thay đổi lớn.

Thậm chí, theo một nghiên cứu của Romir - đại diện Viện Gallup, GlobalNR và WIN tại Nga, từng cho kết quả là 39% người Nga được hỏi cho biết không bầu cho ai, 17% không đi bầu, 12% sẽ làm hỏng lá phiếu, nếu ông Putin không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 4.

Thế nên mới nói, Vladimir Putin được bầu làm Tổng thống Nga lần thứ 4, nhưng không vượt trên khuôn khổ của Hiến pháp và thực tế đó cũng là một kỷ lục “vô tiên khoáng hậu” trong đời sống chính trị tại xứ sở bạch dương. Đồng thời, ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ 4 với trách nhiệm không chỉ vì sự tốt đẹp cho người dân Nga, cho Tổ quốc Nga, mà còn vì sự tốt đẹp cho nhân loại, như kỳ vọng của đa số người dân nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Giả sử có cuộc bình chọn “Người Nga vĩ đại”, có lẽ Vladimir Putin cũng sẽ chiến thắng vì ông hoàn toàn xứng đáng là “Huyền thoại chính trị vĩ đại nhất trong thế kỷ 21” của nước Nga, dù hiện nay mới đang ở thập kỷ thứ 2 của thế kỳ 21.

Sông Hàn