Châu Âu có cứu vãn được thỏa thuận hạt nhân Iran?
Các quốc gia châu Âu đang cố gắng tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lui khỏi thỏa thuận này.
"Thỏa thuận này chưa "chết". Mỹ rút khỏi thỏa thuận nhưng thỏa thuận vẫn còn đó", Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói.
Ông Le Drian cho biết, Iran đang tôn trọng các cam kết của mình theo thỏa thuận hạt nhân. "Quốc gia này xứng đáng nhận được điều tốt đẹp hơn bất ổn gây ra bởi sự rút lui của Mỹ. Vì vậy, chúng tôi muốn tuân thủ thỏa thuận này và muốn thấy rằng Iran cũng vậy," ông Le Drian nói với đài phát thanh Pháp RTL.
Le Drian cho biết các cuộc họp cũng sẽ được tổ chức với các công ty bao gồm gã khổng lồ dầu mỏ Total và các công ty khác có lợi ích kinh doanh và kinh tế lớn trong khu vực.
Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẽ vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận hạt nhân này và sẽ đảm bảo các biện pháp trừng phạt đối với Iran vẫn được dỡ bỏ, miễn là Tehran đáp ứng các cam kết của mình.
Nga cũng đã khẳng định vẫn tiếp tục cam kết với thỏa thuận. Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Alexander Grushko, cho biết các Bộ trưởng ngoại giao Nga và Đức cũng sẽ gặp nhau tại Moscow để thảo luận về việc tiếp tục duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ngoài việc rút khỏi thoả thuận, Trump tuyên bố rằng ông sẽ áp dụng lại biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ đối với Iran để làm suy yếu cái mà ông gọi là "một thỏa thuận khủng khiếp, một chiều mà đáng lẽ không bao giờ nên được thực hiện".
Do đó, triển vọng cứu vãn thỏa thuận này phụ thuộc phần lớn vào việc liệu các công ty có sẵn sàng kinh doanh với Iran bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ hay không.
Các công ty châu Âu bao gồm nhà sản xuất ô tô PSA, hãng sản xuất máy bay Airbus, và tập đoàn Siemens cho biết họ đang theo dõi sát tình hình.
Trước đó vào năm 2015, Mỹ, năm cường quốc thế giới khác và Iran đã ký thỏa thuận hạt nhân, theo đó đã gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran để đổi lấy các giới hạn đối với chương trình hạt nhân của Iran.
Trump phàn cho rằng thỏa thuận này- thành quả chính sách đối ngoại của ông Barack Obama, đã không ngăn chặn được hoạt động hạt nhân của Iran sau năm 2025, cũng như vai trò của Iran trong các cuộc xung đột ở Yemen và Syria.
Giới quan sát cho rằng, quyết định của Trump làm tăng nguy cơ xung đột sâu sắc ở Trung Đông, khiến Mỹ mâu thuẫn với các lợi ích ngoại giao và kinh doanh của châu Âu, và dẫn đến sự bất ổn về nguồn cung dầu toàn cầu, đẩy giá dầu tăng cao trong thời gian tới.