Chủ tịch Ủy ban Châu Âu: Đã đến lúc "châu Âu tỏa sáng"
Theo ông Jean-Claude Juncker, để đối mặt với những quyết định gần đây của Tổng thống Trump, châu Âu cần tăng cường vị thể của minh trên toàn cầu
"Chúng ta cần châu Âu thể hiện nhiều hơn. Sau tất cả những gì chúng ta đã thấy trong vài ngày qua, thế giới cần phải nhìn thấy một châu Âu mạnh mẽ hơn", Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy ban châu Âu, phát biểu tại một hội nghị ở Florence, Italy.
Vừa qua, các nhà lãnh đạo của Đức và Pháp đã đưa ra quan điểm tương tự. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng châu Âu không còn có thể dựa vào sự bảo vệ của Mỹ.
"Không còn đơn giản là Mỹ bảo vệ chúng ta nữa, mà châu Âu phải nắm lấy số phận của mình, đó là nhiệm vụ của tương lai", bà Merkel cho biết.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiến một bước xa hơn và lập luận rằng châu Âu không thể chấp nhận quyết định của Trump và phải theo đuổi những giá trị riêng của mình.
"Nếu chúng ta chấp nhận rằng các cường quốc khác, bao gồm các đồng minh, quyết định các vấn đề ngoại giao, an ninh cho chúng ta, và đôi khi thậm chí còn khiến chúng ta phải chịu những rủi ro tồi tệ nhất, thì chúng ta không có chủ quyền và chúng ta không thể tạo niềm tin cho công chúng", ông Macron cho biết tại một sự kiện ở Đức hôm thứ 5.
Để biến châu Âu trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu, Chủ tịch Juncker lập luận rằng 28 quốc gia thành viên EU cần thực hiện nhiều thỏa thuận thương mại hơn nữa, sau các thỏa thuận thương mại gần đây với Canada và Nhật Bản, đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu và việc làm.
Ông Juncker cũng nói rằng cần có một cách tiếp cận mới đối với chính sách đối ngoại, một vấn đề "có vấn đề" trong khu vực. Do thiếu sự nhất trí giữa các quốc gia khác nhau, Juncker lập luận rằng các quyết định chính sách đối ngoại nên được thực hiện bởi đa số phiếu thay vò sự đồng thuận.
Hồi đầu tuần, Mỹ đã quyết định rút khỏi một thỏa thuận hạt nhân quốc tế với Iran. Vương quốc Anh, Đức và Pháp, các quốc gia cũng là một phần của thỏa thuận, đã chỉ trích quyết định của Tổng thống Trump, nói rằng thỏa thuận vẫn đang hiệu quả. Các quốc gia này, cùng với các tổ chức châu Âu, hiện đang chiến đấu để duy trì thỏa thuận ngay cả khi không có Mỹ.