Trung Quốc từ chối đặt mục tiêu giảm thặng dư thương mại với Mỹ
Trung Quốc đã từ chối đặt mục tiêu cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ, nhưng thể hiện thiện chí thỏa hiệp trong một số lĩnh vực nhằm cải thiện cán cân thương mại với Mỹ.
Trong các cuộc đàm phán kéo dài 2 ngày vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã thể hiện quan điểm tích cực trong việc giảm bớt các biện pháp trừng phạt đối với ZTE. Nhưng phần lớn các nhà lập pháp ở Mỹ vẫn thận trọng, và Washington không có nhiều lựa chọn ngoài việc hoãn giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đối với tập đoàn công nghệ này.
Sau các cuộc đàm phán, hai bên đã không tổ chức một cuộc họp báo chung và cũng không đưa ra tuyên bố chính thức, cho thấy khó khăn trong việc đạt được một thỏa thuận về vấn đề này.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc miêu tả các cuộc đàm phán là "tích cực, mang tính xây dựng và hiệu quả", nhưng dường như hai bên đã không đạt được một thỏa thuận cụ thể.
Được biết, trong cuộc đàm phán này, ông Trump đã yêu cầu Bắc Kinh cắt giảm thặng dư thương mại 375 tỷ USD một năm với Mỹ. Tuy nhiên theo một báo cáo trên Wall Street Journal, Trung Quốc từ chối đặt ra một mục tiêu cắt giảm mức thặng dư thương mại nói trên.
Mặc dù vậy, Bắc Kinh đã thể hiện sẵn sàng thỏa hiệp ở một số lĩnh vực. Phía Trung Quốc đề xuất rằng họ sẽ tăng nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ, bao gồm khí tự nhiên, dầu thô và các tài nguyên thiên nhiên khác, các sản phẩm nông nghiệp như đậu nành, cũng như chất bán dẫn và máy bay.
Trung Quốc cũng đồng ý mở cửa các lĩnh vực tài chính, y tế và các dịch vụ khác theo yêu cầu của Mỹ, đồng thời sẽ tăng cường nỗ lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Về phía Mỹ, tham gia đàm phán nói trên gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, trong khi phía Trung Quốc được dẫn đầu bởi Phó Thủ tướng Liu He, cánh tay phải của Chủ tịch Tập Cận Bình.