CEO Barings: Trump toan tính lợi ích chính trị nhiều hơn kinh tế
Theo CEO Barings, những tuyên bố gần đây của Tổng thống Mỹ về việc giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc đều mang tính chính trị hơn kinh tế.
Theo Tom Finke, Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Barings chuyên quản lý tài sản tại Mỹ nhận định, những tuyên bố gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc đều mang tính chính trị nhiều hơn tính kinh tế.
Ông Finke đang đề cập đến các cuộc đàm phán Mỹ - Trung diễn ra trong tháng này để xoa dịu căng thẳng thương mại sau khi hai quốc gia ăn miếng trả miếng bằng những đe dọa thuế quan lên đến hàng trăm tỷ USD đối với các mặt hàng xuất khẩu của nhau.
Mặc dù các quan chức thương mại Trung Quốc nói rằng họ sẽ gia tăng mua hàng hóa của Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng thông báo này không đề cập đến các biện pháp cụ thể, và các vấn đề cần được đem ra đàm phán là bảo mật công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ đã không được nhấn mạnh.
"Các biện pháp được đưa ra chỉ như một cách thức giữ cho số ghế của đảng Cộng hòa chiếm đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ. Về mặt kinh tế, chúng ta vẫn đang nhượng bộ Trung Quốc. Không một điều khoản nào thực sự ràng buộc Trung Quốc tăng mua hàng từ các doanh nghiệp Mỹ", ông Finke nhấn mạnh.
Tổng thống Trump đang hướng tới cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ vào tháng 11 sắp tới, nơi đảng Cộng hòa thường gặp nhiều khó khăn. Việc tuyên bố thành công trong việc giải quyết sự mất cân đối thương mại với Trung Quốc có thể giành được sự ủng hộ của những người nông dân và các nhà sản xuất năng lượng của Mỹ- những cử tri bỏ phiếu chính cho đảng Cộng hòa.
Theo ông Finke, việc Mỹ bán các sản phẩm nông nghiệp nhiều hơn cho Trung Quốc có thể là trọng tâm, nhưng cuối cùng, Mỹ thật sự cần chấm dứt tình trạng ăn cắp sở hữu trí tuệ.
Ông Finke cho rằng, Trump đã có một tầm nhìn bao quát hơn để đạt được một mối quan hệ công bằng hơn với Bắc Kinh. "Ông ấy là một thương nhân, ông ấy muốn có những thỏa thuận. Rất có thể sẽ có một thỏa thuận nào đó sẽ được ký kết", ông Finke nói.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà quan sát đều lạc quan. Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s nói với CNBC rằng, các cuộc đàm phán hiện tại không khác gì một cuộc “tranh luận ngớ ngẩn" khi không có một chi tiết cụ thể nào và không có thắng lợi cho cả hai bên, vì đơn giản là Mỹ không có đủ hàng xuất khẩu sang Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu thương mại của chính quyền Trump.
Có thể thấy rằng, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đang chỉ tính toán đến các lợi ích chính trị của mình. Mặc dù có nhiều động thái muốn đàm phán với Trung Quốc, nhưng Mỹ vẫn đưa ra yêu cầu rất cao. Theo Bloomberg, chính quyền Trump yêu cầu Trung Quốc đến năm 2020 phải cắt giảm ít nhất 200 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ.
Ông Finke cho rằng, với việc gia tăng sức ép với Trung Quốc, có nhiều hành động gây tổn hại cho các nước đồng minh của Mỹ, Tổng thống Trump đang bị nhìn bằng con mắt hoài nghi từ nhiều phía. Và để đạt được một điều khoản có thể chấp nhận được với Mỹ, Tổng thống Trump nên có một cách tiếp cận mềm dẻo và bớt cứng nhắc trong việc thực thi "Nước Mỹ trên hết" trước khi đẩy Mỹ vào thế dẫn đầu thành cô lập.