Bê bối chính trị ở Italy và phép thử mô hình Châu Âu
Ít ai biết ở một quốc gia cơ bản kiểu mẫu như Italy trong khoảng thời gian 70 năm từ sau thế chiến thứ II đến nay có đến 63 Chính phủ được thành lập.
Châu Âu dẫn dắt thế giới từ mấy thế kỷ nay, giá trị châu Âu đã được kiểm chứng. Thế kỷ 21, điểm “nóng” trỗi dậy chuyển về Châu Á, cùng với cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế với mật độ ngày càng dày như một phép thử cho mô hình Châu Âu.
Chủ nghĩa tư bản - nơi tập trung cao độ những thành tựu của nhân loại, nhưng cũng là nơi tiềm ẩn những cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị mang tính chu kỳ, như một thứ “đặc sản”. Đáng chú ý nhiều năm trở lại đây, các cuộc khủng hoảng luôn xuất phát từ những nước tư bản “già”.
Ở khía cạnh nào đó, phong trào Brexit ở Anh quốc cũng được coi như một cuộc khủng hoảng trong nội bộ Liên minh Châu Âu (EU). Điều gì đang xảy ra với tổ chức được coi là khoa học chặt chẽ nhất hành tinh?.
EU là tổ chức đồng nhất màu cờ sắc áo, đa số sử dụng chung đồng EUR, họ có thuế quan chung, luật pháp chung và cả hộ chiếu chung. Phải chăng những thành tựu đó đã tới hạn phát triển của Liên minh này?
Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài ở Italy xuất phát từ thế giằng co giữa hai chính đảng, không bên nào đủ số phiếu áp đảo để thành lập chính phủ, dẫn đến một “Quốc hội treo”.
Ít ai biết ở một quốc gia cơ bản kiểu mẫu như Italy trong khoảng thời gian 70 năm từ sau thế chiến thứ II đến nay có đến 63 Chính phủ được thành lập, không Chính phủ nào cầm quyền đủ một nhiệm kỳ 5 năm, từ 2008 đến nay thay 4 đời Thủ tướng.
Tổng thống đương nhiệm Sergio Mattarella bày tỏ thái độ cứng rắn với những nhân vật có thái độ “hoài nghi Châu Âu” như trường hợp cựu Bộ trưởng Công nghiệp Paolo Savona không được chấp thuận đảm nhiệm ghế Bộ trưởng Tài chính.
Điều quan ngại nhất trong cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia "hình chiếc ủng" là tương lai của khu vực đồng tiền chung (Eurozone) và cả mô hình tổ chức EU.
Italy là một trong 6 thành viên sáng lập Cộng đồng than thép Châu Âu, tiền thân của EU ngày nay, đến nay nước này là nền kinh tế lớn thứ 3 Eurozone.
Có thể bạn quan tâm
|
Hệ thống ngân hàng Italy đang ôm khoản nợ xấu lên đến 360 tỷ EUR, món nợ công mà Chính phủ "chắp vá" nước này phải cáng đáng lên đến 123% GDP. Nếu kịch bản mất khả năng thanh toán xảy ra thì hệ thống ngân hàng Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề.
Nếu cuộc đấu đá chính trị không tìm được lối ra, kinh tế là lĩnh vực đầu tiên chịu ảnh hưởng, phạm vi không gói gọn ở Italy. Tỷ giá EUR/USD đã giảm 1,4%, các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu Chính phủ Italy do lo ngại phe phản đối EU giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 9 tới.
Một khi đầu tàu Châu Âu gặp vấn đề, những cam kết mang tính bền vững, hay nói cách khác “thương hiệu Âu Châu” bị tổn thương khá nặng, trước tiên là mất lòng tin từ các nhà đầu tư.
Châu Âu có thể cứu Hy Lạp nhưng với Italy là câu chuyện khác. Italy là một nền kinh tế đồ sộ, con nợ của cả Châu lục, vì vậy giới chức nhiều nước ủng hộ quan điểm của Tổng thống Sergio Mattarella, quyết giữ Italy không rời Eurozone.
Cuộc khủng hoảng hiện nay trên chính trường Italy không đơn thuần là biểu hiện mâu thuẫn giữa Tổng thống và các đảng cực hữu, dân túy mà là một sự khủng hoảng có tính hệ thống về mặt thể chế kéo dài nhiều năm qua.
Dưới lăng kinh tài chính còn là cuộc đối đầu giữa phe ủng hộ đồng EUR và phe “hoài nghi Châu Âu” muốn đi theo con đường Brexit của nước Anh bởi những toan tính lợi ích phe nhóm.
EU liệu sẽ tan rã? Còn hơi sớm để nói đến điều này nhưng biểu hiện mâu thuẫn ngày một nhiều. Những năm gần đây, làn sóng phản đối EU ngày càng mạnh lên, có lúc, có nơi còn đủ sức mặc cả với Chính phủ, Italy là một ví dụ.
Khu vực Eurozone sẽ tan rã? Cũng chưa đủ cơ sở gì để dự báo, đồng EUR hiện tại vẫn quyền lực nhất nhì thế giới, nhiều nền kinh tế gắn chặt với đồng tiền này nên không dễ dàng chấp nhận sự quy đổi đầy rủi ro. Sở dĩ nước Anh dễ dàng tách khỏi EU là vì nước này không sử dụng đồng EUR.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy vì thế không còn kéo dài, vì các đảng phái chính trị ở đất nước này và cả thế giới tư bản nói chung đều là những thế lực kinh tế, họ sẵn sàng đấu tranh nhưng cũng dễ dàng thỏa hiệp một khi lợi ích kinh tế được cân bằng.
Mắt xích yếu nhất của chủ nghĩa tư bản là bất ổn chính trị, tình trạng “vô Chính phủ”, “Quốc hội treo”, quyền lực bị vô hiệu hóa trong khoảnh khắc khi giữa các đảng phái không đạt được thỏa thuận.
Một EU mẫu mực “thống nhất trong đa dạng” đang đứng trước nhiều thách thức cho thấy, xu thế toàn cầu hóa có dấu hiệu đạt ngưỡng phát triển lên nấc thang mới. Thế giới tư bản sẽ triền miên khủng hoảng hay tìm cách vá lỗi?