Khủng hoảng chính trị Italy đe dọa tương lai của EU
Italy đang rơi vào cuộc đấu tranh quyền lực đầy kịch tính giữa những người theo chủ nghĩa dân túy "bài" EU và các nhà lập pháp ủng hộ liên minh này.
Bất ổn chính trị kéo dài
Hiện nay Italy đang rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị sau vài tuần đàm phán thất bại thành lập chính phủ liên minh mới kể từ cuộc bầu cử vào đầu tháng 3 dẫn đến một "Quốc hội treo". Sau đó, Phong trào dân túy Five Star (M5S) đã giành được phần lớn phiếu bầu và tìm cách liên minh với đảng cực hữu Liên Đoàn Phương Bắc (LEGA) để thành lập chính phủ liên minh mới.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã sụp đổ vào cuối tuần trước sau sự từ chức bất ngờ của ông Giuseppe Conte, một Giáo sư luật mà M5S và LEGA đã đề cử trở thành Thủ tướng Italy.
Ông Conte đã chính thức từ chức sau quyết định của Tổng thống Sergio Mattarella từ chối đề cử ứng viên Paolo Savona, một người có quan điểm bài châu Âu, cho vị trí Bộ trưởng tài chính.
Thay vào đó, ông Sergio Mattarella đề cử ông Carlo Cottarelli, cựu Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) làm Thủ tướng lâm thời. Ông Cottarelli hiện đang được giao nhiệm vụ lập kế hoạch bầu cử mới và thông qua ngân sách kế tiếp.
Việc chỉ định ông Cottarelli thành lập một chính phủ lâm thời đã khiến M5S và LEGA phải trở về trạng thái chiến dịch tranh cử. Điều này cũng dẫn đến việc ông Luigi Di Maio, lãnh đạo M5S kêu gọi luận tội Tổng thống Mattarella, vì cho rằng ông Mattarella đã phản bội các cử tri khi ngăn cản việc đề cử ông Savona.
Nguy cơ tác động toàn châu Âu
Italy là nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), đã suy thoái trong một thời gian dài. Đó là một mối lo ngại đáng kể đối với Eurozone cũng như thị trường toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm |
"Thật đáng lo ngại khi nhìn vào các nền tảng cơ bản của kinh tế Italy", ông Mouhammed Choukeir, Giám đốc đầu tư tại Ngân hàng tư nhân Kleinwort Hambros, đánh giá và cho biết, đây là một trong những nước có mức nợ lớn nhất thế giới, tỷ lệ thất nghiệp 11%, rất cần có cuộc tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế để lấy lại niềm tin của người dân và cộng đồng quốc tế.
Sự bất ổn chính trị sâu sắc của Italy cũng đã khiến một số nhà phân tích cảnh báo về những tác động lan tỏa, trong đó Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha được cho là có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
“Nguy cơ hiện nay đã trở nên rõ ràng hơn. Cuộc bầu cử mới ở Italy vào mùa thu năm 2018 hoặc đầu năm 2019 có thể trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về vị trí của Italy trong EU. Điều này đe dọa nghiêm trọng tới tương lại của Eurozone", ông Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế trưởng tại Berenberg nhấn mạnh.