Eurozone bên bờ vực khủng hoảng
Thách thức đặt ra đối với các quốc gia đang sử dụng đồng EUR là phải tránh tác động từ những rủi ro mất ổn định giá trị của đồng tiền này cũng như nguy cơ khủng hoảng ở khu vực đồng tiền chung châu Âu
Trong khi Liên minh Châu Âu (EU) đang “tối tăm mặt mũi” vì Brexit, vấn đề người tỵ nạn, xung đột thương mại với Mỹ, căng thẳng với Nga..., thì lại thêm tác động từ những bất ổn kinh tế, chính trị ở Italy và Tây Ban Nha.
Bất ổn kinh tế, chính trị
Không chỉ ở Italy mà ở nhiều quốc gia khác trong EU lần đầu tiên có chính phủ thuộc phe cực hữu và dân tuý. EU đã tránh được hiểm hoạ này ở Pháp, Hà Lan và Đức, nhưng giờ khó tránh được ở Italy khi đảng cực hữu Lega và phong trào dân tuý Năm ngôi sao lại quyết tâm thành lập chính phủ liên minh. Ở Tây Ban Nha, chính phủ cánh hữu bảo thủ bị thay thế bằng chính phủ thuộc phe xã hội dân chủ, nhưng vẫn là chính phủ thiểu số. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng liên quan đến việc xứ Catalonia chủ trương ly khai vẫn chưa qua. Như vậy, Tây Ban Nha vẫn đang là rủi ro chính trị đối với EU.
Đối với ECB khá thành công trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, đồng EUR lại không thành công như câu chuyện của ECB. Không thể phủ nhận EUR đã có được vai trò ảnh hưởng, thậm chí cả quyền lực không nhỏ trong EU và trên thế giới. Tuy nhiên, đồng tiền này đã thực sự thăng trầm và không ít lần bị khủng hoảng.
Sở dĩ EU rơi vào tình trạng bất ổn là do tình trạng phân bè chia phái trong nội bộ và những thách thức từ bên ngoài, cũng như một số quốc gia thành viên hoài nghi về tương lai của liên minh này.
Italy là một trong những thành viên của EU bị khủng hoảng tài chính và nợ công trầm trọng, cùng với những thành viên khác của EU như Síp, Malta, Hy Lạp hay Bồ Đào Nha. Nhờ sự ra tay của EU, ECB và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thông qua việc xoá bớt nợ, hoãn nợ và cung ứng tài chính để trả nợ, các nước này dần ra khỏi được khủng hoảng tài chính và nợ công.
Trên thực tế, cả EU lẫn ECB đều không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải tự cứu mình. Bởi nếu để cho các nước thành viên bị phá sản, sẽ là cú đòn vô cùng nặng nề về cả thể diện lẫn uy tín của EU. Chỉ cần một trong số những nước thành viên này rời khỏi Eurozone vì không thể hoặc không muốn đáp ứng những điều kiện và tiêu chí bắt buộc về ổn định của EU thì đồng EUR sẽ đứng trước nguy cơ bị sụp đổ.
Phòng ngừa rủi ro từ EUR
Tuy mọi điều kiện bên trong lẫn bên ngoài hiện đều không thuận lợi đối với EU nhưng nguy cơ EUR bị khủng hoảng lại không lớn lắm cho tới khi chính phủ mới ở Italy được thành lập. Một mình ECB không đủ khả năng cứu Italy thoát khỏi khủng hoảng tài chính. Bởi tổng số vốn hiện tại của ECB là 4.600 tỷ EUR, trong khi tổng số nợ của Italy là 2.300 tỷ EUR. Những chính phủ trước ở Italy đều ngoan ngoãn chấp hành mọi điều kiện của EU, ECB và IMF để được cứu trợ tài chính. Tuy nhiên, chính phủ liên minh mới Italy lại không sẵn sàng.
Điều mà các quốc gia đang sử dụng EUR cần lưu ý là tìm cách tránh tác động từ những rủi ro mất ổn định giá trị cũng như nguy cơ khủng hoảng đồng EUR.
Chính phủ liên minh mới Italy đòi EU xoá nợ 250 tỷ EUR, chủ trương không giảm mà tăng vay nợ công, không tiếp tục chính sách chi tiêu tiết kiệm mà ngược lại, dùng những cam kết về tăng phúc lợi xã hội để mị dân và đặc biệt là tuyên bố sẵn sàng rút Italy khỏi Eurozone. Những định hướng chính sách này đều đã bị EU, ECB và IMF coi là nguyên nhân chính khiến Italy bị khủng hoảng tài chính và nợ công, còn EU bị khủng hoảng đồng EUR trong giai đoạn trước đó. Có thể nói, chính phủ liên minh mới ở Italy chẳng những không coi trọng EU mà còn không thiết tha với EUR. Họ chỉ lợi dụng sự tham gia vào Eurozone chừng nào còn có thể lợi dụng được, trong đó có cả chủ ý biến EU và ECB thành con tin để thỏa thuận lợi ích.
EU chắc chắn sẽ phải làm tất cả để cứu vãn EUR. Bởi chỉ cần EUR bị khủng hoảng, chứ chưa đến mức bị sụp đổ thì EU cũng sẽ bị thiệt đơn, thiệt kép về mọi phương diện. Trong khi đó, nhiều nước thành viên EU cũng phải nỗ lực cứu EUR vì đã gắn kết quá chặt chẽ vào đồng tiền này. Bởi vậy, sẽ khó có chuyện Italy rời khỏi Eurozone và EUR bị khủng hoảng. Dù vậy, EUR sẽ không tránh khỏi bị mất ổn định về giá trị và bị sa sút lòng tin.
Đó chính là điều mà các nước đang sử dụng EUR trong quỹ dự trữ ngoại hối, cũng như trong thanh toán quốc tế không thể không quan ngại và phòng ngừa rủi ro. Bài toán mà các quốc gia này thường xuyên phải giải là sử dụng EUR, nhưng tránh tác động từ những rủi ro mất ổn định giá trị cũng như nguy cơ khủng hoảng đồng EUR.