Hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc với nhiều mâu thuẫn
Mặc dù đã bế mạc và đưa ra tuyên bố chung, nhưng các nhà lãnh đạo G7 đã thừa nhận, tuyên bố chung không thể bao gồm tất cả mọi vấn đề và các nước cần phải làm việc với nhau trong thời gian dài sau đó.
Tuyên bố chung đã được đưa ra với rất nhiều nội dung quan trọng, bao gồm chủ nghĩa bảo hộ thương mại, thỏa thuận hạt nhân Iran, biến đổi khí hậu và quan hệ giữa phương Tây với Nga. Tuyên bố cũng khẳng định sự cần thiết của một nền thương mại toàn cầu "tự do, công bằng và cùng có lợi", đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đấu tranh chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
Có thể bạn quan tâm |
Các nhà lãnh đạo G7 cam kết hiện đại hóa Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và "nỗ lực giảm các hàng rào thuế quan, các hàng rào phi thuế quan và các khoản trợ cấp của chính phủ"; đồng thời khẳng định "sẽ không bao giờ tìm kiếm, phát triển thêm vũ khí hạt nhân.
Mặc dù vậy, tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G7 đã cho thấy sự chia rẽ khi thừa nhận thất bại trong nỗ lực đạt được sự đồng thuận với Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, dù đã có những cố gắng nhưng vẫn tồn tại nhiều khác biệt giữa lãnh đạo các nước với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, đã có nhiều khó khăn trong việc thống nhất giữa các nhà lãnh đạo trong một số nội dung cụ thể.
Đáng lưu ý, Tổng thống Trump đã yêu cầu đại diện của Mỹ không ký tuyên bố chung đưa ra bởi các nhà lãnh đạo G7 sau "phát ngôn sai lệch" của Thủ tướng Canada.
Đúng như dự đoán, Hội nghị thượng đỉnh G7 đã chứng kiến Tổng thống Mỹ cứng rắn hơn trong việc thể hiện quan điểm "Đặt nước Mỹ lên trên hết". Trước đó, Tổng thống Trump đã nói rằng nên có một sự tự do thuế quan giữa các quốc gia G7, nhưng ông đã không giải thích về cách thức hay cho biết liệu Mỹ có thật sự giảm bớt các rào cản thuế quan của mình hay không. Thay vào đó, ông tập trung vào việc các đồng minh của Mỹ cần giảm bớt các rào cản thuế quan chống lại Hoa Kỳ, chẳng hạn như thuế của Canada đối với sữa của Mỹ, đồng thời đe dọa sẽ ngừng giao dịch với các nước không giảm rào cản đối với các sản phẩm của Mỹ.
"Chúng tôi đang thảo luận với tất cả các nước. Việc này cần dừng lại, hoặc chúng tôi sẽ ngừng giao dịch với họ. Và đó là một câu trả lời rất có lợi nếu chúng ta phải làm điều đó", Tổng thống Mỹ cho biết và nhấn mạnh, Hoa Kỳ đã chịu đựng sự không công bằng về thương mại trong nhiều thập kỷ. Như vậy là quá đủ.
Trước đó đã có nhiều đồn đoán rằng các quốc gia G7 sẽ không đưa ra một tuyên bố chung do có sự khác biệt sâu sắc giữa chính quyền Trump và các đồng minh thân cận của Mỹ về thương mại. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo G7 đã rất nỗ lực đưa ra bản tuyên bố chung trong bầu không khí của sự chia rẽ.
Giới quan sát chính trị nhận định, Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay đã cho thấy rõ hơn bao giờ hết sự chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh thân cận. Đây là một dấu hiệu hoàn toàn bất lợi cho thương mại quốc tế, khi các nước đang cần đoàn kết để chống lại sự phân cực kinh tế và ảnh hưởng của Trung Quốc.
"Mỹ đã chọn sai thời điểm để cứng rắn với các thành viên khác của G7", một chuyên gia nhận định sau cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ..
Mặc dù chưa có một sự tan rã hoặc một cuộc chiến thương mại giữa các thành viên G7 với Mỹ, những các chuyên gia kinh tế đồng tình, G7 đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khi các đồng minh của Mỹ, cụ thể là Pháp và Canada, đã không còn kiên nhẫn với Tổng thống Trump.