"Chiến lược thương mại của Trump với Trung Quốc là sai lầm"
Đó là nhận định của Bộ trưởng Thương mại Quốc tế của Anh Liam Fox khi nói về chiến lược cân bằng thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Phát biểu tại Văn phòng Thủ tướng Anh, Bộ trưởng thương mại quốc tế của Anh Liam Fox cho biết ông hiểu những lo ngại của Mỹ liên quan đến tình trạng dư thừa công suất của ngành thép Trung Quốc, những khó khăn của Mỹ trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc và đóng góp ngân sách thiếu hụt của một số nước trong khối NATO.
"Chúng tôi thông cảm với điều đó. Nhưng sự khác biệt của chúng tôi là cơ chế để áp dụng cho điều đó", ông Liam Fox nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
|
Để đối phó với các sản phẩm nhôm, thép của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ gần đây đã áp dụng thuế quan nhằm bảo vệ sản phẩm trong nước. Tuy nhiên, Trump cũng quyết định đánh thuế nhập khẩu nhôm và thép với các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Canada và các nước đồng minh khác. Điều này đã gây ra một phản ứng mạnh mẽ từ những quốc gia này khi họ lập luận rằng việc sản xuất dư thừa thép, nhôm do Trung Quốc gây ra, chứ không phải họ.
Căng thẳng thương mại đã và đang tăng lên một mức mới vào đầu tuần này khi Trump đã bác bỏ Tuyên bố chung của Hội nghị G7 sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu rằng ông sẽ đưa ra những biện pháp thuế quan trả đũa nhằm vào Mỹ.
Rõ ràng, Tổng thống Donald Trump và một số cố vấn cấp cao của ông muốn giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc, cụ thể là điều chỉnh các hoạt động thương mại và đầu tư song phương giữa hai nước theo cách “công bằng hơn” và thậm chí cân bằng hơn.
Sau nhiều lần do dự, chính quyền Trump có thể áp thuế đối với nhiều loại hàng nhập khẩu của Trung Quốc và chính thức hoá các quy tắc và thủ tục mới, khiến cho các công ty Trung Quốc khó đầu tư hơn vào Mỹ. Điều này dẫn tới việc Bắc Kinh có thể phản ứng bằng các biện pháp trả đũa của riêng mình, có thể dẫn đến một loạt hành động “ăn miếng trả miếng”, kéo theo cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung.
So với một cuộc chiến thương mại đã xảy ra với Nhật Bản cách đây rất nhiều năm trước, Trung Quốc ngày nay là một đối thủ nặng ký hơn rất nhiều. Theo ông Liam Fox, không có dấu hiệu nào cho thấy phần thắng lần này có thể nằm chắc trong tay Washington nếu không hợp tác chặt chẽ với các nước đồng minh. Tuy nhiên, với chiến lược “Nước Mỹ trên hết”, cùng với những diễn biến vừa qua tại G7, Washington đã gửi một tín hiệu rất mạnh mẽ rằng trong các vấn đề kinh tế, Mỹ sẽ "tự lực cánh sinh". Và đây sẽ là một "điểm yếu" để Trung Quốc có thể giành phần thắng?.