Vì sao chứng khoán châu Á chìm trong “biển lửa”?
Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày 18/6 sau khi căng thẳng thương mại Mỹ- Trung tiếp tục leo thang.
Chỉ số Nikkei 225 giảm 0,85%, với phần lớn các cổ phiếu trong tất cả các ngành đều giảm điểm mạnh. Trong đó, cổ phiếu của ngành vận tải biển giảm bình quân 3,46%; cổ phiếu ngành thép giảm trung bình 2,18% và cổ phiếu ngành dầu khí giảm 3,32%.
Các chỉ số chứng khoán của Hàn Quốc cũng chịu chung số phận khi Kospi giảm 0,8% và Kosdaq giảm 2,22%. Trong đó, cổ phiếu của Samsung Electrics giảm tới 2,1%...
Chứng khoán Australia có phần ít thảm hại hơn khi chỉ số S&P/ASX200 chỉ giảm 0,09%. Tuy nhiên, các cổ phiếu của các doanh nghiệp khai thác mỏ như Rio Tinto và BHP lại giảm tới hơn 2%...
Thị trường chứng khoán Singapore cũng giảm điểm khá mạnh khi chỉ số Straits Times giảm 1,19%.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng “rực lửa” khi trong phiên giao dịch sáng 18/6 VN-Index giảm 0,8% xuống mức 1.008,34 điểm; chỉ số HNX-Index giảm 1,11% xuống mức 993,85 điểm.
Các thị trường chứng khoán Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Indonesia đóng cửa nghỉ lễ trong ngày hôm nay.
Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng giảm khá mạnh, trong đó Dow Jownes giảm 0,34% đóng cửa ở mức 25.090,48 điểm sau khi giảm tới 280,93 điểm ngay đầu phiên giao dịch.
Sở dĩ chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm là do các nhà đầu tư lo ngại căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, EU và một số quốc gia khác sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu sau khi chính quyền Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với 818 mặt hàng Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/7. Thời hạn áp thuế 25% đối với 284 hàng hóa Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD sẽ được công bố sau.
Đáp trả lại Mỹ, Trung Quốc cũng áp gói thuế có quy mô tương tự đối với hàng hóa Mỹ được nhập khẩu vào Trung Quốc.
Mỹ không chỉ có căng thẳng thương mại với Trung Quốc, mà còn đang có xung đột thương mại với cả EU, Canada, Mexico và các quốc gia khác. Trong đó, Ấn Độ vừa công bố danh sách 30 sản phẩm của Mỹ sẽ bị áp thuế nhập khẩu bổ sung vào Ấn Độ, như xe môtô có động cơ lớn 800cc của Mỹ sẽ bị áp thuế nhập khẩu 50%, táo Mỹ bị áp thuế nhập khẩu 25%, hạnh nhân và quả óc chó của Mỹ cũng bị áp thuế nhập khẩu tới 20%...
Tổng số tiền áp thuế bổ sung của Ấn Độ đối với hàng hóa Mỹ là 234 triệu USD, tương đương với mức thiệt hại mà Ấn Độ phải chịu từ thuế nhập khẩu thép và nhôm của Mỹ đối với Ấn Độ.
Chứng khoán thế giới giảm mạnh còn do trong cuộc họp tuần trước, Fed đã quyết định tăng lãi suất cơ bản từ mức 1,75% lên mức 2%.
Ngoài ra, nguyên nhân chứng khoán giảm điểm còn do OPEC và Nga có thể sẽ tăng sản lượng khai thác dầu mỏ trong cuộc họp tại Vienna vào cuối tuần này. Điều này đã và đang đẩy giá dầu thô giảm mạnh, tác động tiêu cực đến các cổ phiếu ngành dầu khí.
Giới chuyên gia cho rằng, những yếu tố nói trên có thể sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán thế giới trong những phiên giao dịch sắp tới, trừ khi Mỹ và các quốc gia có liên quan đạt được thỏa thuận gỡ bỏ bế tắc hiện nay về thương mại.