Bài học từ biện pháp trả đũa của EU với Mỹ

Nham Biền 29/06/2018 00:00

Biện pháp trả đũa thuế quan của EU đối với Mỹ đã gợi mở cho các đối tác trong việc tìm kiếm biện pháp đáp trả Mỹ và hạn chế thiệt hại từ chính sách bảo hộ thương mại của Trump.

Đáp trả việc Mỹ áp thuế nhập khẩu thép và nhôm, EU đã quyết định áp thuế 3,2 tỷ USD đối với danh mục hàng hoá của Mỹ xuất khẩu sang EU bao gồm thép, nhôm, bắp, đậu, rượu, quần jean, xe máy từ ngày 22/6 vừa qua.

p/EU đã áp thuế 3,2 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang EU từ ngày 22/6 vừa qua.

EU đã áp thuế 3,2 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang EU từ ngày 22/6 vừa qua.

Mục đích áp thuế của Mỹ

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã doạ sẽ làm găng với EU nếu liên minh này không chịu đáp ứng những yêu cầu của Mỹ. Thậm chí, ông Trump doạ sẽ áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với cả xe ô tô từ EU xuất vào Mỹ.

Mục đích chính của ông Trump trong việc áp thuế quan đối với EU nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ liên minh này. Năm 2017, EU xuất khẩu sang Mỹ hàng hoá trị giá 375 tỷ EUR, trong đó chỉ có 2,8 tỷ EUR phải chịu thuế quan, trong khi Mỹ xuất khẩu hàng hoá trị giá 255 tỷ EUR vào EU, trong đó có 6,4 tỷ EUR phải chịu thuế quan. Theo đó, EU đang có thặng dư thương mại không nhỏ với Mỹ, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với không ít đối tác kinh tế và thương mại khác của Mỹ, như Trung Quốc (375 tỷ USD)…

  EU nhằm vào hàng hoá được sản xuất ở những khu vực mà cử tri Mỹ vốn đã bỏ phiếu bầu cho ông Trump và cho đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và Quốc hội Mỹ hồi đầu tháng 11/2016. 

Giống như những đối tác bị Mỹ khiêu chiến về thương mại, EU không thể không đáp trả Mỹ tương xứng sau khi mọi nỗ lực đàm phán đều thất bại. Bởi quan điểm của ông Trump là áp thuế quan bảo hộ mậu dịch, chứ không đàm phán thương mại với các đối tác. Rõ ràng ông Trump đang rất coi trọng hiệu ứng dân tuý, bất chấp việc áp thuế quan có thể dẫn đến chiến tranh thương mại do leo thang trả đũa lẫn nhau. Ông Trump đang muốn khuếch trương khẩu hiệu "Nước Mỹ là trước hết" phục vụ cho cuộc vận động bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sắp tới ở Mỹ. Bởi vậy, việc thay đổi quan điểm chính sách của Trump chỉ có thể diễn ra sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ. Tuy nhiên, từ nay cho tới thời điểm cuộc bầu cử, căng thăng thương mại giữa Mỹ và các quốc gia có liên quan có thể gia tăng, nhưng chưa thể xảy ra chiến tranh thương mại.

Đối sách của EU

Trong khi Mỹ áp thuế quan đối với những mặt hàng thuộc diện "lợi ích quốc gia", thì EU áp thuế quan trả đũa Mỹ nhằm 2 mục đích: Thứ nhất, EU nhằm vào những hàng hoá được sản xuất ở những khu vực mà cử tri Mỹ vốn đã bỏ phiếu bầu cho ông Trump và đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và Quốc hội Mỹ hồi đầu tháng 11/2016. Với biện pháp này, những nhà sản xuất ở đó bị thiệt hại trực tiếp sẽ gây áp lực đối với ông Trump và đảng Cộng hoà, buộc họ phải thay đổi chính sách. Nếu không, họ sẽ trừng phạt ông Trump và đảng Cộng hoà bằng cách không bỏ phiếu cho họ nữa. Không có những lá phiếu này, ông Trump và đảng Cộng hoà không thể bảo vệ được quyền kiểm soát cả lưỡng viện. Theo đó, ông Trump sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc cầm quyền nửa nhiệm kỳ còn lại, cũng như tái đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ II.

Thứ hai, EU nhằm vào những thương hiệu nổi tiếng của Mỹ như quần bò Lewis, rượu Whiskey Jack Daniels hay xe mô tô Harley Davidson. Những thương hiệu này đều là một phần thể diện của Mỹ ở thế giới bên ngoài, đều hiện thân cho cái gọi là "Giấc mơ Mỹ" và "Lối sống Mỹ". Do đó, biện pháp trả đũa thuế quan của EU tác động rất lớn về chính trị và tâm lý ở Mỹ, mặc dù thiệt hại về giá trị thực tế không lớn. Bởi nhiều thương hiệu của Mỹ tuy vẫn mang danh "Made in the USA", nhưng trên thực tế lại được sản xuất hoàn toàn ở nước ngoài, nên không bị áp thuế quan bảo hộ thương mại của EU.

Đối với Việt Nam hiện đang xuất siêu khá lớn với Mỹ. Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 9,2 tỷ USD từ Mỹ, trong khi xuất khẩu sang Mỹ 41,6 tỷ USD trên tổng kim ngạch xuất khẩu 214 tỷ USD. Do đó, Việt Nam không thể “ăn miếng, trả miếng” với Mỹ.

Để tránh việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với thép sản xuất tại Việt Nam bằng nguyên liệu Trung Quốc hoặc các nước khác, thì Việt Nam phải chứng minh được toàn bộ lượng thép xuất khẩu sang Mỹ có nguồn gốc nội địa. Đồng thời, Việt Nam phải thắt chặt kiểm soát chất lượng, xuất xứ, chống gian lận thương mại và trừng phạt nặng tay những nhà sản xuất, xuất khẩu vi phạm.

Nếu đã thực hiện những điều nói trên, mà Mỹ vẫn cố tình áp đặt thuế trừng phạt lên sắt thép xuất khẩu của Việt Nam, thì Việt Nam chỉ còn cách kiện Mỹ lên WTO.

Nham Biền