Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động thế nào đến Việt Nam?

Việt Nga 07/07/2018 11:00

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang đẩy mạnh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Thế nhưng, đó lại chưa phải là tất cả.

Ngày 6/7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nổ phát súng lớn nhất trong cuộc xung đột thương mại toàn cầu bằng cách áp đặt thuế quan trị giá 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nguy cơ đẩy nền kinh tế thế giới vào nguy hiểm bởi những hành động trả đũa lẫn nhau.

Gần như ngay lập tức, Trung Quốc tuyên bố họ buộc phải trả đũa. Điều này có nghĩa 34 tỷ USD hàng Mỹ vào Trung Quốc, từ ôtô đến nông phẩm, cũng sẽ phải chịu mức thuế tương tự là 25%.

Không phải ai cũng thua trong một cuộc chiến thương mại

Theo tờ South China Morning Post, bất chấp căng thẳng thương mại leo thang Mỹ - Trung, Đông Nam Á vẫn trở thành điểm đến cho những công ty nước ngoài muốn dịch chuyển kinh doanh khỏi Trung Quốc - một thị trường vốn được biết đến với sự gia tăng chi phí nhân công cũng như sản xuất. Và Việt Nam dường như là quốc gia được hưởng lợi nhất khi các dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có xu hướng gia tăng mạnh với sự chuyển dịch hoạt động kinh doanh của các công ty quốc tế vào nền kinh tế này.

Vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép mới nửa đầu năm 2018 tại Việt Nam (triệu USD). Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép mới nửa đầu năm 2018 tại Việt Nam (triệu USD). Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Có thể bạn quan tâm

  • Hệ lụy từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

    13:10, 21/06/2018

  • Tránh vạ lây từ xung đột thương mại Mỹ - Trung

    14:00, 10/05/2018

  • Đàm phán thương mại Mỹ - Trung kết thúc chưa trọn vẹn

    04:30, 05/05/2018

  • “Vén màn” xung đột thương mại Mỹ - Trung

    11:35, 13/04/2018

  • Mỹ “nổ súng”, đẩy xung đột thương mại với Trung Quốc lên nấc thang mới

    04:29, 07/07/2018

Chuyên gia kinh tế trưởng Adam McCarty của Mekong Economics nhận định xu thế dịch chuyển này đang diễn ra và tăng nhanh. Mối quan hệ căng thẳng giữa 2 cường quốc là một cú hích thêm cho xu thế này trong vài tháng qua. Không chỉ từ Trung Quốc, nhiều công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong cũng dịch chuyển sang Việt Nam để đa dạng hóa đầu tư cũng như giảm thiếu rủi ro. Đặc biệt với chi phí sản xuất rẻ hơn Trung Quốc, Việt Nam càng thu hút hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Nền kinh tế Việt Nam thời gian qua đã tăng trưởng với tốc độ kỷ lục một phần nhờ dòng vốn FDI. Nửa đầu năm 2018, tăng trưởng của Việt Nam đạt 7,08%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Tăng trưởng FDI nửa đầu năm cũng đạt 8,4% so với cùng kỳ năm trước, mức kỷ lục 10 năm qua. Việt Nam được đánh giá là một quốc gia đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kể cả với những ngành mà Trung Quốc chiếm ưu thế như may mặc, sản xuất linh kiện điện thoại di động.

Trong làn sóng dịch chuyển đầu tư, chính các doanh nghiệp Hong Kong lại là những nhà đầu tư hướng sang Việt Nam nhiều nhất. Tháng trước, hãng sản xuất đồ gia dụng Man Wah có nhà máy tại Trung Quốc đại lục đã mua lại một doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sofa của Việt Nam với giá 68 triệu USD. Không những vậy, hãng in ấn và đóng gói Hung Hing có thị trường chủ yếu tại Đại lục hiện cũng đã mở rộng sang Việt Nam với một nhà máy in ấn và bao bì tại Hà Nội.

Và những rủi ro có thể xảy ra

Dẫu được hưởng lợi nhiều khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được đẩy lên một nấc thang mới, nhưng nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những rủi ro. Theo chuyên gia McCarty, nếu Việt Nam bị trộn lẫn với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại này, tình hình sẽ khá khó khăn. Ví dụ như việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên mặt hàng thép Việt Nam do cáo buộc chúng có xuất xứ từ Trung Quốc, điều này có thể tác động và mở rộng sang những mặt hàng khác.

Về dài hạn, Việt Nam chưa phải là đối tượng để Mỹ đưa ra những hành động trực tiếp. Tuy nhiên, các cơ chế hiện nay như áp thuế chống bán phá giá và một số biện pháp phòng vệ thương mại khác cũng đủ khiến Việt Nam "đau đầu". Nguyên nhân một phần là do Việt Nam chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường.

Những hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ áp thêm thuế từ 6/7 cũng khó có thể đẩy sang Việt Nam để lách thuế hoặc tiêu thụ, do là hàng công nghệ cao. Tuy nhiên, nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng trên diện rộng, ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng như thép, dầu thô,... thì Việt Nam có thể bị ảnh hưởng không nhỏ.

Do khó khăn trong quan hệ thương mại với Mỹ, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ chủ động hạn chế nhập khẩu từ các nước thứ ba. Bên cạnh đó, mối quan hệ chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và Đông Nam Á là khá lớn và một cuộc chiến thương mại có thể làm tổn thương nền kinh tế của tất cả. Và Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó.

Việt Nga