Hệ lụy phá giá đồng Nhân dân tệ

Nham Biền 13/07/2018 02:47

Trung Quốc được cho là đã và đang phá giá Nhân dân tệ (NDT) để đối phó với chính sách thuế quan của Mỹ.

Đồng NDT mất giá có nguy cơ đẩy hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào các đối tác thương mại khác của quốc gia này.

p/Đồng Nhân dân tệ đã bị mất giá khoảng 7% so với USD trong thời gian qua. (Biểu đồ tỷ giá NDT/USD. Nguồn Walletinvestor)

Đồng Nhân dân tệ đã bị mất giá khoảng 7% so với USD trong thời gian qua. (Biểu đồ tỷ giá NDT/USD. Nguồn Walletinvestor)

Từ ngày 6/7 vừa qua, xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang lên một nấc mới. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên mà NDT bị mất giá tới 7% so với USD và 4% so với những đồng tiền trong rổ tiền tệ được Trung Quốc sử dụng trong ngoại thương.

Hai công cụ hữu dụng của Trung Quốc

Từ trước tới nay, NDT thường mất giá một cách thầm lặng và dần dần so với USD, chứ chưa bao giờ sụt giảm mạnh như vừa qua. Hiện nay, NDT chưa được tự do chuyển đổi, nên sự biến động mạnh của đồng tiền này không thể ngẫu nhiên xảy ra vào thời điểm hiện tại. Sự biến động này được cho là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm đối phó với Mỹ trong xung đột thương mại giữa 2 nước.

Ngoài biện pháp áp thuế quan, Trung Quốc có thể phá giá NDT hoặc bán đi số trái phiếu chính phủ Mỹ trị giá khoảng 1.200 tỷ USD mà Trung Quốc đang nắm giữ. Biện pháp nào cũng có thể đắc dụng nhưng mức độ hữu dụng đều không phải vô hạn.

Năm 2017, Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc số lượng hàng hoá giá trị trên 130 tỷ USD. Trung Quốc không thể áp thuế quan đối với hàng hoá của Mỹ ở mức độ lớn hơn giá trị xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ lại có thể dễ dàng áp thuế quan với giá trị gấp 4 lần như thế với hàng hoá Trung Quốc. Nếu cứ “ăn miếng trả miếng” Mỹ, mà không đạt được giải pháp xử lý xung khắc thương mại với Mỹ, thì kết cục Trung Quốc không thể thắng được Mỹ, cho dù vẫn gây được thiệt hại lớn đối với Mỹ.

  Đồng NDT giảm giá, thì một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có cùng nhóm hàng với Trung Quốc như dệt may, da giày... sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Không những vậy, hàng giá rẻ Trung Quốc có nguy cơ tràn ngập vào Việt Nam. Tuy nhiên, NDT giảm giá sẽ giúp các doanh nghiệp vay nợ bằng NDT được hưởng lợi.  

Trên phương diện giá trị trái phiếu chính phủ Mỹ, nếu Trung Quốc với tư cách là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ. Theo đó, Trung Quốc có thể làm cho tình hình tài chính và chính trị của Mỹ trở nên mất ổn định, gây khó khăn cho tăng trưởng kinh tế Mỹ. Khi đó, Mỹ sẽ mất thêm nhiều nguồn lực và thời gian để đối phó và khắc phục hậu quả, nhưng không phải bị gây khó đến mức không thể khắc phục được.

Trong khi đó, nếu Trung Quốc càng bán ra nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ, thì điều phản tác dụng đối với Trung Quốc càng rõ. Bởi vì, điều đó khiến lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ giảm, kéo theo giá trị khối lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc đang nắm giữ cũng giảm; đồng thời Trung Quốc cũng sẽ mất dần hiệu lực của một công cụ gây áp lực chính trị và tài chính đối với Mỹ.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhân dân tệ “đuối sức” trong cuộc đua với USD

    06:40, 04/02/2018

  • Cần lưu ý biến động của đồng Nhân dân tệ

    05:59, 09/04/2017

  • Nhân dân tệ mất giá tác động mạnh đến kinh tế Trung Quốc

    13:14, 09/03/2017

  • Trung Quốc hạ giá nhân dân tệ 0,02%

    12:57, 02/03/2017

Phá giá tiền tệ trong giới hạn

Phá giá đồng nội tệ là chính sách được Trung Quốc áp dụng từ lâu và có bài bản. Xuất khẩu với giá rẻ là chiến lược giúp Trung Quốc giành thị phần đáng kể ở gần như mọi thị trường quan trọng trên thế giới. Ý nghĩa, vai trò và tác động của chính sách này đối với việc thúc đẩy xuất khẩu là chuyện không còn cần phải bàn đến nữa. Nhưng dùng nó để đối phó với các biện pháp chính sách bảo hộ mậu dịch của Trump thì sẽ thế nào?
Chính sách này giúp khắc phục được phần nào thiệt hại do chính sách thuế quan bảo hộ thương mại của Mỹ gây ra. Tuy nhiên, ở đây có 2 vấn đề phức tạp khác đối với Trung Quốc.

Thứ nhất, sử dụng biện pháp chính sách tiền tệ này, Trung Quốc lôi kéo xung khắc thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc sang cả lĩnh vực tiền tệ, mà ở đây khả năng bùng phát chiến tranh tiền tệ còn tiềm tàng hơn và dễ xảy ra hơn cả chiến tranh thương mại. Xưa nay, chính sách tiền tệ của Trung Quốc luôn như là cái gai trong con mắt của Mỹ. Ở Mỹ hiện đã có một số bộ luật nhằm trừng phạt mạnh mẽ Trung Quốc nếu Mỹ quy kết Trung Quốc "thao túng tiền tệ". Chiến tranh tiền tệ sẽ làm “rung chuyển” toàn bộ mối quan hệ giữa hai nước, chứ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực như xung khắc thương mại hiện tại. Do vậy, Trung Quốc không thể không tính đến điều này.

Thứ hai, đồng nội tệ không thể bị phá giá một cách vô hạn. Bởi nếu đồng nội tệ bị mất giá quá mức sẽ ảnh hưởng tới uy tín của quốc gia trên thị trường quốc tế, cũng như an ninh chính trị và ổn định xã hội. Các chuyên gia của Deutsche Bank cho rằng, nếu xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc thì xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm khoảng 78 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm khoảng 13 tỷ USD. Để bù đắp lại, Trung Quốc phải phá giá đồng nội tệ ít nhất 18%, trong đó đã có phần 7% thời gian vừa qua - việc mà Trung Quốc không thể và không dám làm.

Bởi vậy, Trung Quốc sẽ áp dụng mọi biện pháp ở mức độ nhất định nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng. Đồng NDT mất giá tác động tới thương mại của tất cả các đối tác khác với Trung Quốc, chỉ tiêu cực chứ không thể tích cực.

Nham Biền