Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu
Những xung đột thương mại và tiền tệ giữa Mỹ với một số đối tác kinh tế không ngừng leo thang đã làm gia tăng lo ngại về cuộc suy thoái kinh tế thế giới, thậm chí Đại suy thoái kinh tế thế giới.
Trong khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một số thỏa thuận tạm thời ngăn chặn xung đột thương mại tiếp tục leo thang, thì căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Xung đột Mỹ- Trung leo thang
Quan ngại nói trên hoàn toàn có cơ sở và cảnh báo cũng không thừa, bởi cuộc xung đột thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động đang diễn ra quyết liệt, phạm vi và mức độ ảnh hưởng còn có thể gia tăng. Có thể thấy được điều này rõ nét nhất và đặc trưng nhất ở xung đột thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và EU. Từ ngày 1/6 vừa qua, Mỹ áp thuế quan bảo hộ mậu dịch đối với sản phẩm thép và nhôm của EU xuất khẩu vào thị trường Mỹ. EU cũng đã đáp trả tương tự từ ngày 16/6 sau đó.
Mới đây, Mỹ và EU đạt được thoả thuận về thương mại, nhưng cũng chỉ tạm thời chứ không chấm dứt được những biện pháp chính sách đã được áp dụng. EU chấp nhận nhập khẩu thêm khí hoá lỏng và đậu tương của Mỹ, nhưng chưa biết là thành viên nào của EU sẽ nhập khẩu các sản phẩm này của Mỹ. Mỹ và EU thoả thuận tiến hành đàm phán thương mại để khắc phục xung đột thương mại nhưng chẳng ai có thể khẳng định cuộc đàm phán này sẽ sớm kết thúc thành công. Tức là thực trạng hiện tại chưa thay đổi gì, chưa biết đến khi nào mới được khắc phục và liệu rồi chiến tranh thương mại có thể được ngăn ngừa thực sự hay không.
Trong khi đó, xung đột thương mại Mỹ- Trung hiện diễn biến chỉ theo một hướng duy nhất là leo thang với mức độ ngày càng gay gắt. Cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này trên lĩnh vực thương mại không chỉ làm cho hai bên “sứt đầu mẻ trán” mà còn khiến tất cả các đối tác khác bị vạ lây, kinh tế và thương mại thế giới bị ảnh hưởng nặng nề. Chỉ cần xung đột thương mại kéo dài, thì kinh tế thế giới năm nay khó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng như dự báo của WB, và không loại trừ khả năng kinh tế thế giới sẽ bị đẩy vào suy thoái từ cục bộ khu vực đến toàn cầu, thậm chí Đại suy thoái.
Cần chủ động ứng phó
Bất ổn kinh tế thế giới đã và đang gia tăng khi có những dấu hiệu về nguy cơ chiến tranh tiền tệ, đương nhiên chủ yếu giữa những nền kinh tế có đồng tiền mạnh với nhau, trước hết giữa Mỹ, Trung Quốc và EU. Ông Trump đã công khai cáo buộc Trung Quốc và EU "thao túng và lũng đoạn tiền tệ". Các quốc gia đều có thể sử dụng chính sách tiền tệ của mình để hậu thuẫn phát triển kinh tế và thúc đẩy xuất khẩu. Việc này ngay lập tức sẽ bị các đối tác bên ngoài coi là dùng chính sách tiền tệ, mà cụ thể là bằng cách phá giá đồng tiền, để bù trợ cho xuất khẩu, tức là cạnh tranh không lành mạnh và bảo hộ thương mại.
Chính sách tiền tệ có thể góp phần làm nghiêm trọng hơn chiến tranh thương mại. Tác động cộng hưởng của chúng vô cùng tai hại và bất lợi đối với tăng trưởng của kinh tế và thương mại thế giới.
Một lý do khác nữa là những chuyện nói trên diễn ra khi kinh tế và thương mại thế giới tuy có phục hồi và tăng trưởng nhưng mức độ chưa cao và chưa có được tính bền vững cần thiết. Cả kinh tế lẫn thương mại thế giới hiện chưa có được khả năng đề kháng cần thiết cho trường hợp xảy ra chiến tranh trên lĩnh vực thương mại và tiền tệ.
Những cảnh báo về kịch bản tồi tệ nhất cho kinh tế và thương mại thế giới nhắc nhở các nước phải quan tâm thoả đáng, phải có chính sách chủ động ứng phó, phòng ngừa và ngăn chặn từ sớm để tránh bị tác động tiêu cực và tốn công sức, thời gian cho việc khắc phục thiệt hại. Việc này rất hữu ích chứ không thừa, thực tế chứ không phải tiếp cận theo cách tiêu cực.
Việt Nam cần chuẩn bị kịch bản ứng phó Trong bối cảnh xung đột thương mại và tiền tệ leo thang, Mỹ chắc chắn sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn đối với nguồn hàng hóa Trung Quốc thông qua một nước thứ ba vào Mỹ. Nếu không cẩn trọng, hàng Việt Nam có thể sẽ bị "vạ lây" trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần hướng nguồn lực vào phát triển thị trường nội địa và khu vực, để duy trì động lực tăng trưởng, hơn là kỳ vọng vào dư địa chính sách để ứng phó với tác động tiêu cực. Hiện nay, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn khi tổng kim ngạch xuất khẩu bằng 193% GDP năm 2017. Độ mở lớn khiến đất nước dễ bị tổn thương trước những bất ổn thế giới. Bởi vậy, trước nguy cơ xung đột thương mại và tiền tệ giữa Mỹ và một số đối tác kinh tế có thể dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần xây dựng sẵn kịch bản ứng phó để giảm thiểu tác động tiêu cực. |