Kẻ ngáng đường quan hệ Triều - Mỹ
Ông Kim chỉ mới thành công về mặt ngoại giao, còn thực tế lại đẩy đất nước này vào tình thế khó hơn.
Đến giờ phút này có thể khẳng định Triều Tiên quá thành công trong chiến lược ngoại giao “cào bằng”. Từ một nước bị cô lập do các chương trình hạt nhân, thử tên lửa, Triều Tiên bỗng nhiên thay da đổi thịt và trở nên hấp dẫn lạ kỳ.
Cả Mỹ và Trung Quốc, bên nào cũng muốn “có” Triều Tiên. Ông Trump không muốn kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên ngày càng nhiều thêm, còn ông Tập không muốn những gì liên quan đến Triều Tiên mà không có “ý kiến” của mình.
Nhưng, người ta đặt câu hỏi, Trung Quốc có thật sự muốn đùm bọc người hàng xóm bé nhỏ, hay vì mục đích nào khác? Trong những năm tháng bế quan tỏa cảng với thế giới, Trung Quốc là cửa ngõ duy nhất của Triều Tên.
Cũng chính vì thế Bắc Kinh cứ thi thoảng phát lệnh cấm vận với Bình Nhưỡng, lần gần nhất là đầu năm 2018, khiến cộng đồng quốc tế lúc đó lo ngại nước này lâm vào khủng hoảng kinh tế trong năm 2019.
Ấy vậy nhưng dù sao Trung Quốc vẫn là bạn vong niên, mối quan hệ được xây dựng từ thời ông nội của Kim Jong – un. Hai cuộc gặp quan trọng, với Tổng thống Hàn Quốc, và Tổng thống Hoa Kỳ nhưng ông Kim mất 6 lần đi và về giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng để gặp gỡ ông Tập.
Có thể bạn quan tâm
|
Đó là dấu hiệu rõ ràng của một sự phụ thuộc không nhỏ, sự ngạo nghễ của ông Kim trên diễn đàn ngoại giao quốc tế được hậu thuẫn bởi Trung Quốc.
Trung - Mỹ đang chiến tranh thương mại, lịch sử ngoại giao hai nước cũng không có nhiều điều đáng nhớ nếu không muốn nói là thù địch. Vì vậy, Triều Tiên hoàn toàn có thể đóng vai trò “quân cờ trong tay áo” của Trung Quốc.
Ông Trump mời nhà lãnh đạo Triều Tiên đến Singgapore dường như để giới thiệu một con đường mới để văn minh thịnh vượng, vượt ra ngoài sự ảnh hưởng của người láng giềng khổng lồ. Tập Cận Bình chắc chắn không muốn điều này xảy ra.
Triều Tiên là nước nghèo, hàng năm vẫn nhận sự viện trợ từ cộng đồng quốc tế, nhưng vì sao họ sở hữu công nghệ làm giàu uranium và tên lửa có thể tấn công tận bang California của Mỹ?
Chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên khó thành công nếu không có Trung Quốc giúp sức, các thiết bị được nhập về qua bình phong các công ty Trung Quốc sau đó chuyển vào Triều Tiên.
Sản phẩm của chương trình này khiến Mỹ cực kỳ e ngại - Trump đã xuống thang với ông Kim Jong - un hồi tháng 6/2018. Thông qua chương trình hạt nhân ở Triều Tiên - Trung Quốc gián tiếp mặc cả với Mỹ.
Gần 2 tháng sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, giờ đây giới quan sát chính trị quốc tế và tình báo Mỹ hướng về bán đảo Triều Tiên theo sát các bãi thử hạt nhân và nhà máy chế tạo tên lửa tầm xa.
Không lấy gì chắc chắn Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân sau cuộc gặp với ông Trump, mọi hứa hẹn vẫn ở dạng tiềm năng. Tuyên bố chung Mỹ - Triều chưa thể nói là sụp đổ nhưng nó cần thêm điều kiện để hiện thực hóa.
Một trong những điều kiện đó là thái độ của Trung Quốc, ông Tập chắc chắn không để Kim Jong - un “đơn phương” đàm phán với Mỹ, nhất là khi lợi ích Trung Quốc đang gắn chặt với Biển Đông và xung đột với chiến lược xoay trục Châu Á của Mỹ.
Cũng cần nói thêm, tuyên bố Mỹ - Triều chỉ mang tính… biểu tượng, tức là chưa có gì cụ thể về tiến trình giải trừ hạt nhân; những cuộc đàm phán song phương sau hội nghị thượng đỉnh cũng chưa đem lại kết quả nào cụ thể.
Ông Kim chỉ mới thành công về mặt ngoại giao, còn thực tế lại đẩy đất nước này vào tình thế khó hơn, họ không thể giữ thế cân bằng mãi mãi khi Trung - Mỹ, bên nào cũng muốn giành phần thắng.