Bùng nổ ví điện tử tại Châu Á
Khu vực châu Á- Thái Bình Dương đang chứng kiến sự bùng nổ của ví điện tử, lằn ranh giữa ví điện tử và thẻ tín dụng đang ngày càng mờ nhạt.
Theo thống kê của Statista, tổng doanh thu thanh toán di động trên toàn cầu năm 2017 đạt 780 tỷ USD, tăng 173% so với năm 2015 và dự đoán con số này sẽ vượt 1.000 tỷ USD vào năm 2019.
Thói quen của người tiêu dùng
Sau khi ứng dụng Citi Pay trên các thiết bị Android được ra mắt tại Singapore, Citibank lại cho ra đời Samsung Pay và Apple Pay, làm đa dạng hóa các ứng dụng ví điện tử, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng công nghệ của khách hàng. Tính linh hoạt, thuận tiện và bảo mật trong thanh toán làm cho các ví điện tử đang dần trở thành một nền tảng mạnh mẽ cho các ngân hàng phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Startup ví điện tử Việt nhận đầu tư từ quỹ mạo hiểm Silicon
07:28, 29/06/2018
Nở rộ ví điện tử, thanh toán di động
12:18, 10/11/2017
Vietcombank mở rộng hợp tác triển khai dịch vụ nạp rút ví điện tử Payoo
10:56, 22/06/2017
Vietcombank và M-Service phối hợp thực hiện ví điện tử MoMo
14:54, 06/09/2016
Standard Chartered - M_Service: Hợp tác triển khai dịch vụ ví điện tử trên di động
23:42, 28/08/2015
Theo Trưởng bộ phận Công nghệ tài chính Fintech ở EY – ông Varun Mittal thì "Giống như CitiBank, một số ngân hàng châu Á khác đang thúc đẩy công cuộc phát triển ví điện tử riêng của họ nhằm bắt kịp và cạnh tranh với các đối thủ. Những ngân hàng truyền thống khác đang tìm cách làm việc cùng với những nhà cung cấp ví điện tử".
Theo ông Mittal, hệ thống ngân hàng thế giới đang chứng kiến một cuộc chuyển đổi mạnh mẽ khi các ngân hàng không chỉ cung cấp fintech, mà cả những dịch vụ FinLife, được thiết kế đặc biệt để phù hợp với nhu cầu sống ngày càng cao của khách hàng. Việc này cũng giúp giảm bớt rủi ro trong việc xóa bỏ các trung gian tài chính.
Như trường hợp của Citibank, ngân hàng này có sự phân tích và nghiên cứu sâu thị hiếu thanh toán của khách hàng tại Singapore và họ thiết kế ví điện tử dựa trên những mối quan tâm cũng như thói quen thanh toán của khách hàng của thị trường này: “Chúng tôi nhận thấy các khách hàng thích sử dụng ví điện tử hơn và xu hướng này đang tăng lên”, ông Vikas Kumar - Trưởng bộ phận thẻ và nợ cá nhân tại Citibank Singapore nói và cho biết thêm rằng ứng dụng Samsung Pay trong ví điện tử của họ kết hợp giữa ứng dụng Pay của ngân hàng này với chương trình tích điểm.
Ông Jacquelyn Tan- Giám đốc dịch vụ tài chính cá nhân của ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore, nói rằng phần lớn người dân Singapore có thói quen sử dụng giao thông công cộng. Chính thói quen này của người dân đã khiến Ban lãnh đạo UOB thúc đẩy việc ký kết với Cơ quan Giao thông Đường bộ Singapore nhằm đưa thanh toán thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ vào áp dụng trong các phương tiện công cộng tại Singapore.
Theo ông Tan, khi hai bên cùng nhau bàn bạc, dựa trên các tiêu chuẩn thanh toán điện tử, như SGQR, quá trình thanh toán kỹ thuật số sẽ trở nên thông suốt. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng có thể kỳ vọng một trải nghiệm đơn giản, an toàn khi thực hiện giao dịch thanh toán điện tử - bất chấp họ đang ở đâu hay chọn dịch vụ thanh toán điện tử nào.
Xu thế thanh toán không tiếp xúc
Tại Trung Quốc, hiện có hơn 900 triệu người dùng các ứng dụng di động Alipay và WeChat Pay mỗi ngày để thanh toán các hóa đơn, mua hàng, hay thậm chí người ăn xin cũng có thể nhận tiền bằng cách quét mã QR.
Ở Ấn Độ, người dân đi chợ mua rau và thanh toán bằng điện thoại thông qua ví điện tử Paytm. Điều này cho thấy, việc sử dụng ví điện tử để thực hiện các thanh toán di động đang trở nên quen thuộc đối với người dân các nước trên thế giới, hướng tới một xã hội thanh toán không tiền mặt.
Trong xu thế bùng nổ của ví điện tử, một số ngân hàng đang tìm một vị thế chủ động hơn, UOB Bank đã xây dựng mạng lưới chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt có khả năng tương tác ở Singapore, động thái này được xem như một phần trong kế hoạch phát triển hệ thống thanh toán điện tử của ngân hàng này. UOB Bank đã đưa ra hơn 10.000 cổng thanh toán không tiếp xúc thống nhất, chấp nhận nhiều hình thức thanh toán không tiền mặt khác nhau.
Cũng theo Statista 2017, Việt Nam có 28,77 triệu người đang sử dụng điện thoại thông minh và 53% dân số đang sử dụng Internet. Với dân số trẻ, thích sự mới lạ, nắm bắt xu hướng toàn cầu nhanh, Việt Nam hiện là thị trường tiềm năng cho những phương thức thanh toán đổi mới như thanh toán di động với các ví điện tử.
Có thể thấy, trong những năm vừa qua, thị trường Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ của "ví điện tử" khi hàng loạt các công ty Fintech lớn nhỏ ra mắt các sản phẩm và dịch vụ của mình, như Momo, Samsung Pay, VTC Pay, Bankplus, Payoo, ZaloPay,…
Hiện tại, tỷ lệ người dân dùng thanh toán điện tử tại Việt Nam chưa cao do thói quen sử dụng tiền mặt, người dân chưa thực sự tin tưởng vào tính bảo mật của các giao dịch điện tử, duy trì hình thức COD cho các giao dịch thương mại điện tử. Tuy nhiên, Việt Nam là thị trường mới với rất nhiều tiềm năng cho dịch vụ ví điện tử.