Cơ hội từ “Brexit cứng”

Nham Biền 11/08/2018 16:00

Nguy cơ Anh rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận thương mại nào với liên minh này (Brexit cứng) sẽ là cơ hội cho các quốc gia khác ngoài EU tăng cường quan hệ thương mại với Anh Quốc.

Theo nhận định mới đây của Bộ trưởng Bộ Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox, nguy cơ về một “Brexit cứng” hiện đã lên tới hơn 60%.

Có thể bạn quan tâm

  • Hậu Brexit, Anh bắt tay Trung Quốc tạo tiền đề cho thỏa thuận thương mại

    16:40, 31/07/2018

  • Trump "xúi" Thủ tướng Anh kiện EU về Brexit

    04:13, 16/07/2018

  • Bất đồng quan điểm, Bộ trưởng Anh phụ trách vấn đề Brexit bất ngờ từ chức

    06:30, 10/07/2018

  • Anh hướng đến Đông Nam Á hậu Brexit

    05:20, 02/05/2018

p/Bộ Trưởng thương mại Anh Liam Fox cho biết nguy cơ “Brexit cứng” hiện đã tăng lên trên 60%.

Bộ Trưởng thương mại Anh Liam Fox cho biết nguy cơ “Brexit cứng” hiện đã tăng lên trên 60%.

Tìm kiếm thỏa thuận song phương

Chỉ còn 8 tháng nữa là tới thời điểm kết thúc đàm phán Brexit, nhưng đến nay EU và Anh chưa đạt được thỏa thuận nào về mối quan hệ trong tương lai.

Thủ tướng Anh Theresa May hiện đang chịu áp lực rất lớn về việc cần hoàn tất đàm phán trước Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 10 sắp tới.

Trên thực tế, Chính phủ Anh muốn có “Brexit mềm”, có nghĩa Anh tuy ra khỏi EU nhưng vẫn tận dụng được những thành tựu hợp tác, liên kết và nhất thể hoá châu lục mà EU đã đạt được cho tới nay, trước hết là thị trường nội địa chung và liên minh thuế quan. EU không cự tuyệt hoàn toàn mong muốn này của Anh, nhưng không coi đó là ưu tiên hàng đầu trong đàm phán với Anh về Brexit.

Chỉ sau khi phía Anh đáp những đòi hỏi và điều kiện khác của EU, thì Liên minh này mới tính đến chuyện đàm phán và ký kết thoả thuận mậu dịch tự do với Anh.

Lo ngại về khả năng xảy ra kịch bản Brexit xấu nhất như trên, chính phủ Anh trong thời gian vừa qua đã hối hả tìm kiếm thoả thuận mậu dịch tự do song phương với các đối tác không phải là thành viên EU. Các nước ở châu Âu không phải là thành viên EU còn khá đông, nhưng lại không thể hoặc chưa thể trở thành đối tác kinh tế và thương mại quan trọng của Anh và có thể giúp thay thế EU đối với Anh.

Bởi vậy, chính phủ Anh đang lục tìm đối tác ở các châu lục xa. Mỹ, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, kể cả những nền kinh tế nhỏ hơn khác như ở khu vực Đông Nam Á hay Hàn Quốc hoặc New Zealand đều lọt vào tầm ngắm của Anh. Đáng chú ý, gần đây nhất, tân Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt đã có chuyến công du tới Trung Quốc cũng vì mục tiêu nói trên.

Đối với các đối tác ở mọi nơi trên thế giới, không nên vì Brexit mà ngần ngại với việc tận dụng những cơ hội hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại với Anh. Thực tế hiện nay ở nhiều nền kinh tế đã cho thấy, chỉ có thoả thuận đa phương về mậu dịch tự do không thôi, thì chưa tận dụng hết mọi cơ hội, nếu như không muốn nói là chưa thể đủ.

Các thoả thuận mậu dịch tự do song phương, nếu không mâu thuẫn với các thoả thuận đa phương về mậu dịch tự do, sẽ đem lại những giá trị thực tế và lợi ích vô cùng thiết thực cho các quốc gia.

Cơ hội cho Việt Nam

Trong giai đoạn từ năm 2013-2017, Anh là luôn nằm trong danh sách 15 đối tác có xuất, nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân năm trong 5 năm qua đạt gần 5%. Nếu như trong năm 2013, tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Anh đạt 4,27 tỷ USD, thì đến năm 2017 trao đổi song phương giữa hai nước đã tăng gần 44% và đạt mốc 6,15 tỷ USD.

Năm 2017, Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 của Việt Nam, tăng 1 bậc so với năm 2016. Trong khi đó đối với nhập khẩu, Anh xếp ở vị trí thứ 26, giảm 2 bậc so với 1 năm trước.

Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh trong giai đoạn 2013-2017 luôn cao hơn nhiều lần so với nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ quốc gia này. Cụ thể năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu 3,7 tỷ USD hàng hóa sang thị trường Anh, cao gấp 6 lần so với nhập khẩu. Đến năm 2017, xuất khẩu sang quốc gia này đã cao gấp 7 lần so với nhập khẩu.

Các mặt hàng chủ yếu được Việt Nam xuất khẩu sang Anh Quốc trong 5 năm qua bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…Trong khi đó, các mặt hàng chủ yếu được nhập khẩu vào Việt Nam từ Anh bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; dược phẩm; sản phẩm hóa chất; ô tô nguyên chiếc các loại…

Như vậy, Việt Nam luôn đạt mức thặng dư cao trong trao đổi song phương với Anh trong 5 năm qua. Cụ thể, trong năm 2014 Việt Nam xuất siêu sang Anh Quốc 3 tỷ USD, mức xuất siêu này tiếp tục tăng cao trong các năm tiếp theo và đạt mức cao nhất vào năm 2017 (4,68 tỷ USD).

Với nguy cơ “Brexit cứng” và Anh đang tìm cách đẩy mạnh quan hệ thương mại với các quốc gia ngoài EU, thì Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa đẩy mạnh kim ngạch thương mại hai chiều với Anh, kể cả khả năng ký kết FTA với quốc gia này.

Nham Biền