Thổ Nhĩ Kỳ có "gượng dậy" sau cuộc khủng hoảng tiền tệ?

Cẩm Anh 17/08/2018 11:01

Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak đảm bảo với các nhà đầu tư quốc tế rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mạnh mẽ hơn sau cuộc khủng hoảng tiền tệ của nước này.

Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak

Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak

Trong hội nghị mới đây với hàng ngàn nhà đầu tư, ông Albayrak, con rể của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, đất nước này đã thừa nhận tất cả những thách thức hiện nay nhưng lại phớt lờ việc đối phó với những điều bất thường trên thị trường tiền tệ.

Ông cũng cho biết thêm, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không ngần ngại cung cấp các biện pháp hỗ trợ cho ngành ngân hàng trong nước. "Các ngân hàng sẽ được trợ giúp để đối phó được với các biến động bất thường của thị trường, và sẽ không có sự rút vốn lớn nào trong năm nay", ông Albayrak nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Thổ Nhĩ Kỳ vẫn “bí” lối thoát khủng hoảng tiền tệ

    17:00, 16/08/2018

  • Thổ Nhĩ Kỳ "chìm sâu" vào cuộc khủng khoảng tài chính

    11:02, 13/08/2018

  • Khủng hoảng tiền tệ Thổ Nhĩ Kỳ có “vực dậy” giá vàng tuần tới?

    05:30, 12/08/2018

Cùng với đó, ông Albayrak cũng cho biết phía Qatar đã nhất trí cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ một gói hỗ trợ gồm các dự án kinh tế, đầu tư và tiền gửi trị giá 15 tỷ USD. Gói hỗ trợ này sẽ được bơm vào các ngân hàng và thị trường tài chính Thổ Nhĩ Kỳ để củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư.

Động thái này của Qatar kết hợp với việc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành thắt chặt thanh khoản và hạn chế bán ra đồng Lira đã giúp cho đồng tiền này tăng giá trở lại so với USD. 

Phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2001, ông Albayrak có nhiệm vụ khó khăn trong việc trấn an các nhà đầu tư rằng nền kinh tế không phải là con tin để dùng cho các thỏa thuận chính trị.

Tuy nhiên, nhiệm vụ này dường như ngày càng trở nên bất khả thi khi Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không có bất kỳ sự nhượng bộ nào. Nhà Trắng cho biết sẽ không loại bỏ việc áp thuế lên các sản phẩm nhôm và thép Thổ Nhĩ Kỳ. Việc này dường như mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ ít động lực để thúc đẩy việc thả tự do cho mục sư Andrew Brunson, người đang bị giam tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2016 với cáo buộc gián điệp và âm mưu đảo chính.

Đồng thời, để trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ, Tổng thống Erdogan cũng tuyên bố tăng gấp đôi mức thuế nhập khẩu xe ô tô chở khách của Mỹ lên 120%, đồ uống có cồn tới 140% và thuốc lá lá tới 60%. Thuế quan cũng tăng gấp đôi trên các mặt hàng như mỹ phẩm, gạo và than đá.

Một số nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế không cho rằng cuộc khủng hoảng tiền tệ của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến thị trường toàn cầu và chỉ nằm trong biên giới của quốc gia này. Mặc dù vậy, cuộc khủng hoảng ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây tác động ở một mức độ nhất định đến các thị trường mới nổi khác.

"Cuộc khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ làm dấy lên lo ngại về các nền kinh tế mới nổi ngày càng dễ bị tổn thương và có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn. Nhưng nếu xét về tổng thể, các nền kinh tế mới nổi đang có vị thế tài chính mạnh hơn rất nhiều so với 20 năm trước", ông Jim McCaughan, Giám đốc điều hành Principal Global Investors, London cho biết.

Giới chuyên gia cho rằng, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, chưa thể "gượng dậy" để vươn lên mạnh mẽ khi lạm phát vẫn ở mức cao, nợ công lớn...

Các nước có quan hệ thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần chuẩn bị sẵn những kịch bản đối phó khi cuộc khủng hoảng tiền tệ của đất nước này đi theo chiều hướng xấu. Về phía Việt Nam, theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Trưởng bộ môn tài chính quốc tế- Học viện Tài chính nhận xét, tuy quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Thổ Nhĩ Kỳ có giao dịch bằng USD nhưng hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong xuất nhập khẩu nên trước mắt tác động tới Việt Nam sẽ dừng ở mức độ các doanh nghiệp xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gặp khó khăn với một số mặt hàng nhất định.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo rằng, nếu đồng Lira tiếp tục mất giá tiếp sẽ có nhiều khả năng hàng hóa từ Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam sẽ có chiều hướng gia tăng. Đồng thời, chênh lệch tỷ giá USD và đồng Lira sẽ làm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chịu thiệt.

"Về dài hạn, để tránh những hệ lụy không đáng có, đồng thời Việt Nam cần hướng nguồn lực vào phát triển thị trường nội địa và khu vực, để duy trì động lực tăng trưởng, hơn là kỳ vọng vào dư địa chính sách để ứng phó với tác động tiêu cực", ông Thịnh cho biết. 

Cẩm Anh