Mỹ và EU tạo rào cản kiềm chế Trung Quốc

Thuỵ Vân 19/08/2018 11:01

Việc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) siết quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với Trung Quốc là bài học cho các quốc gia khác khi đầu tư vào Mỹ và EU, cũng như tiếp nhận đầu tư từ Trung Quốc.

Trong thời gian vừa qua, cả Mỹ lẫn EU đều đồng thời có những chính sách mới về quản lý FDI. Không hẹn mà gặp, Mỹ và EU trên phương diện này giống nhau ở chỗ cùng theo đuổi mục tiêu tăng cường kiểm soát, thậm chí ngăn cản hoạt động FDI, nhưng trên thực tế hạn chế hoạt động FDI của Trung Quốc.

p/Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật tăng cường kiểm soát, giám sát của Chính phủ Mỹ đối với đầu tư từ nước ngoài.

Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật tăng cường kiểm soát, giám sát của Chính phủ Mỹ đối với đầu tư từ nước ngoài.

Kiềm chế đối tác

Trung Quốc khiến Mỹ và EU lo ngại sâu sắc hơn cả và phải tập trung đối phó. Với chiến lược nhất quán và dài hơi, Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, nhưng ở mỗi thị trường đều xác định trọng tâm khác nhau. Trung Quốc đã đề ra kế hoạch với tên gọi "Made in China 2025" mà thực chất thực hiện mục tiêu vươn lên dẫn đầu thế giới về công nghệ cao trong thế kỷ 21.

Mỹ và EU đã nhìn nhận chiến lược FDI của Trung Quốc và một số đối tác khác là mối đe doạ đối với ưu thế hiện tại của họ về kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao. Họ cho rằng Trung Quốc và các đối tác tăng cường hoạt động đầu tư trực tiếp vào Mỹ và EU không chỉ để hợp tác kinh doanh thuần tuý mà nhằm vào bí quyết công nghệ cao của Mỹ và EU.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ và Trung Quốc có dễ dàng

    Mỹ và Trung Quốc có dễ dàng "đường ai nấy đi"?

    04:30, 13/08/2018

  • Đàm phán thương mại Mỹ - Trung sắp tới ít có khả năng thành công

    Đàm phán thương mại Mỹ - Trung sắp tới ít có khả năng thành công

    04:30, 18/08/2018

  • Trung Quốc có chịu nhượng bộ Mỹ trong đàm phán thương mại sắp tới?

    Trung Quốc có chịu nhượng bộ Mỹ trong đàm phán thương mại sắp tới?

    17:29, 18/08/2018

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc được thực hiện chủ yếu dưới 4 hình thức: Thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, thành lập công ty liên doanh, mua một phần cổ phần của Cty ở nước sở tại và thâu tóm hoàn toàn Cty ở nước sở tại. Trong đó, hình thức thứ nhất được Mỹ và EU khuyến khích nhưng Trung Quốc lại gần như không sử dụng. Ba hình thức còn lại, đặc biệt 2 hình thức cuối cùng, đều ẩn chứa rủi ro lớn mà EU và Mỹ chủ động đối phó bằng những đạo luật mới.

Trong nền kinh tế thị trường, những doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, có thể thâu tóm được doanh nghiệp mà họ nhằm đến. Mặc dù vậy, đến nay nhiều tập đoàn của Trung Quốc đã thất bại trong việc thâu tóm tập đoàn của Mỹ và EU bởi những quyết định từ phía chính quyền Mỹ và EU.

Mỹ cho rằng Trung Quốc và các đối tác tăng cường hoạt động đầu tư trực tiếp vào nước này không chỉ để hợp tác kinh doanh thuần tuý mà nhằm vào bí quyết công nghệ cao của Mỹ.

Điều mà Mỹ và EU lo ngại không phải là bị mất thương hiệu nổi tiếng về tay Trung Quốc, mà là bị mất lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc và nguy cơ trong tương lại bị lệ thuộc vào công nghệ cao của Trung Quốc. Trong chuyện này, Trung Quốc và các nước đầu tư dài hạn cho tương lai, còn Mỹ và EU lại phải duy trì lợi thế hiện tại vì tương lai. Họ tạo rào cản mới để kiềm chế đối tác.

Mỹ và EU xưa nay vẫn thường tự coi mình là thánh địa của kinh tế thị trường và cạnh tranh tự do, phản đối mọi sự can thiệp của phía chính quyền. Họ thậm chí còn coi đó là những điều kiện và tiêu chí cho quan hệ hợp tác của họ với các đối tác bên ngoài. Nhưng việc tạo rào cản mới để kiềm chế đối tác như vậy đâu có khác gì thực thi chủ nghĩa bảo hộ và khép kín thị trường.

Bài học từ Mỹ và EU

Từ những biện pháp chính sách mới này của Mỹ và EU có thể nhìn nhận ra được 2 bài học có ý nghĩa lớn đối với tất cả các đối tác.

Thứ nhất là bài học về hoạt động đầu tư và hợp tác kinh tế với Mỹ và EU. Theo đó, các đối tác cần phải hiểu biết thật đầy đủ và đúng đắn về điều kiện thị trường cũng như khuôn khổ luật pháp ở đó, đồng thời phải luôn sẵn sàng chuẩn bị ứng phó với kịch bản những điều kiện đó bị sửa đổi và thay thế nhanh chóng, thậm chí còn có thể bị huỷ bỏ hoặc đảo ngược. Hay nói theo cách khác, kinh tế thị trường ở Mỹ và EU không luôn "hoàn toàn thị trường" như Mỹ và EU cổ suý, và cạnh tranh tự do ở đó không luôn "hoàn toàn tự do" như giới chức Mỹ và EU luôn quả quyết.

Thứ hai là bài học về tiếp nhận FDI. Giống như Mỹ và EU phòng ngừa mặt trái của FDI, các đối tác cũng phải để ý thoả đáng đến những ý đồ khác nữa của nhà đầu tư nước ngoài bên cạnh mục tiêu đầu tư trực tiếp để hợp tác kinh doanh. Chỉ có như vậy, các đối tác mới có thể bảo toàn được tốt nhất lợi ích của mình, vừa tranh thủ được vốn đầu tư của nước ngoài, vừa tránh được tác động, và hệ lụy của hoạt động FDI không chỉ nhằm mục tiêu hợp tác kinh doanh mà lợi dụng cho những ý đồ và mục tiêu khác nữa.

Đối với Trung Quốc, các quốc gia tiếp nhận FDI cũng cần đặc biệt cẩn trọng trong việc chọn lọc các dự án đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc, nhằm tránh trở thành “bãi rác công nghệ lạc hậu” của nước này; đồng thời không quá dễ dãi trong việc tiếp nhận vốn đầu tư của Trung Quốc để rồi rơi vào tình trạng phụ thuộc vào kinh tế, chính trị của Trung Quốc, như Malaysia, Campuchia... và một số quốc gia châu Phi. Đặc biệt, các nước cũng cần phải lưu ý trong việc đấu giá các khu đất có vị thế an ninh, chính trị nhạy cảm khi có sự tham gia của doanh nghiệp Trung Quốc.

Thuỵ Vân