Vì sao đàm phán thương mại Mỹ - Trung bất thành?
Chiến tranh thương mại là đòn thử của Trump đối với nền kinh tế Trung Quốc?. Nếu đúng vậy, cuộc chiến này sẽ kết thúc nhưng không phải ngay lúc này.
Để cố gắng tìm đáp án cho câu hỏi trên, cần lật lại nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra và ngày càng căng thẳng.
Một nguyên nhân dường như ít liên quan đến hàng chục tỷ USD tiền thuế mà hai bên đánh vào nhau đó là “sở hữu trí tuệ” và “chuyển giao công nghệ”. Người Mỹ cáo buộc Trung Quốc vi phạm sở hữu trí tuệ, “bế quan” trong việc tiếp nhận công nghệ và có chính sách trợ cấp đối với nguồn lực công.
Hồi đầu năm nay, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ đã gửi yêu cầu tham vấn với Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về vấn đề này.
Kèm theo đó, nhiều công ty Mỹ cũng lên tiếng về việc Trung Quốc vi phạm sở hữu trí tuệ. Theo đánh giá của Uỷ ban về Quyền sở hữu trí tuệ Mỹ, vi phạm sở hữu trí tuệ từ Trung Quốc mỗi năm gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ từ 225 đến 600 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm
|
Đây được cho là nguyên nhân châm ngòi chiến tranh thương mại. Việc người Mỹ kêu cứu bị vi phạm sở hữu trí tuệ dường như có gì đó liên quan đến danh xưng “công xưởng thế giới” của Trung Quốc (!?).
Cũng phải thừa nhận Trung Quốc là nơi xuất phát hàng giả thuộc dạng lớn nhất thế giới, bất kỳ sản phẩm nào của các hãng danh tiếng mới ra lò thì ngay lập tức bị làm giả…như thật với giá thành rẻ như bèo.
Từ chiếc xe của hãng Honda, Yamaha của Nhật hay điện thoại Iphone của Mỹ, nhiều người ngỡ ngàng vì kỹ năng bắt chước rất giỏi của các công ty Trung Quốc nhưng cũng không ít người tỏ thái độ quan ngại.
Dĩ nhiên, nền kinh tế lớn như Mỹ, nơi phát sinh nhiều công nghệ mới như Mỹ có lý do để nổi nóng khi sản phẩm được phát minh từ họ lại được sản xuất y chang ở nơi khác.
Nếu lý do chiến tranh thương mại để ngăn chặn vi phạm sở hữu trí tuệ như ông Trump đưa ra là đúng thì có thể phần nào biết được tại sao đàm phán thương mại Mỹ - Trung mới đây không đạt được thỏa thuận nào đáng kể.
Bởi vì khi bị yêu cầu chấm dứt “sao y bản chính” nhiều công ty Trung Quốc như bị cắt cụt tay chân, có nghĩa là họ phải mất thời gian startup lại từ đầu, xem ra đó là thiệt hại không nhỏ với nền kinh tế hơn 1,3 tỷ dân.
Nội dung cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung được giữ bí mật tối đa, đó là lý do để giới quan sát quốc tế "đoán già đoán non" về những nguyên nhân gây thất bại.
Một câu hỏi đại loại: Ngoài sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, liệu còn nguyên nhân nào cốt cán hơn hay không?
Lại tiếp tục phải hỏi, vì sao Mỹ quyết định phát động chiến tranh thương mại vào lúc này? Nhất là khi ông Trump sẽ bị “đo đếm” tại bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ diễn ra vào cuối năm nay.
Sự phàn nàn từ các công ty- luôn được cho đứng sau lưng mỗi đời Tổng thống Mỹ, là yếu điểm để đảng Dân chủ xoáy vào mong giành “ghế” ở lưỡng viện.
Đó cũng là nguyên nhân khá rõ ràng buộc ông Trump nhiệt thành đáp ứng đòi hỏi từ các tập đoàn siêu kinh tế, luôn có tiếng nói quan trọng trên chính trường nước Mỹ.
Nên nhớ rằng, nhờ khẩu hiệu “Nước Mỹ là trên hết”, ông Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2016, ông Trump được biết đến là nhà kinh tế lão luyện chứ không phải chính trị gia giàu kinh nghiệm.
Lựa chọn phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc lúc này là có lý do ngoài những cáo buộc chính thống.
Thêm chi tiết giáo sư Hồ An Cương thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) vừa công bố nghiên cứu thuyết “Trung Quốc đã vượt Mỹ”. Báo cáo gây dậy sóng dư luận Trung Quốc, và nhiều chuyên gia, học giả còn cáo buộc chính nó gây ra chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.
Cáo buộc này không phải không có logic của nó, nhiều năm nay tuy không bên nào nói ra nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đề xem nhau là đối thủ lớn nhất. Trung Quốc hung hăng muốn vượt Mỹ, còn Mỹ “cay mũi” nếu bị Trung Quốc qua mặt!