Hy Lạp chuyển mình thoát nợ công
Việc xử lý khủng hoảng tài chính và nợ công của Hy Lạp không chỉ là bài học cho riêng quốc gia nào, mà thực sự hữu ích đối với tất cả các quốc gia trong việc phòng ngừa cuộc khủng hoảng này.
Vừa qua, bộ ba Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố chấm dứt chương trình cứu trợ tài chính thứ 3 giúp Hy Lạp thoát cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công.
Cần đánh giá thận trọng
Tuyên bố này đồng nghĩa với việc Hy Lạp đã thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công, từ nay không còn cần đến sự cứu trợ tài chính từ bên ngoài. Trong 8 năm qua, EU, ECB và IMF đã thực thi 3 chương trình cứu trợ tài chính đối với Hy Lạp với tổng số tiền 288,7 tỷ EUR.
Có thể bạn quan tâm
Biều tình chống người di cư nổ ra ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ
09:15, 03/04/2016
Hy lạp và Eurogroup tìm được tiếng nói chung về gói cứu trợ thứ 3
12:13, 15/08/2015
Hy Lạp: \"Rung động\" vì kế hoạch Grexit
09:46, 29/07/2015
Hy Lạp đánh thuế cao nhiều mặt hàng, dịch vụ để tăng nguồn thu
11:02, 20/07/2015
Canh bạc mới của Hy Lạp
11:38, 16/07/2015
Số phận của Hy Lạp vẫn bị treo tới ngày 12/7
10:14, 12/07/2015
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp bất ngờ từ chức
10:03, 12/07/2015
Hy Lạp chưa khi nào trong lịch sử bị khủng hoảng tài chính và nợ công trầm trọng như vậy, và chuyện cứu trợ tài chính như đã thực hiện cho Hy Lạp cũng chưa có tiền lệ đối với EU, ECB và IMF.
Trên danh nghĩa, khủng hoảng đã chấm dứt hay chưa phụ thuộc vào nội dung tuyên bố chính trị. Nhưng tuyên bố chính trị với nội dung là khủng hoảng đã chấm dứt không có nghĩa khủng hoảng đã thực sự chấm dứt. Với Hy Lạp, phía bộ ba và chính phủ Hy Lạp tuyên bố Hy Lạp đã thoát khỏi khủng hoảng, song bên ngoài có không ít lý do để hoài nghi về vấn đề này.
Vay nợ công luôn như “con dao hai lưỡi”, nên các quốc gia phải sử dụng nợ công một cách có hiệu quả, tránh lãng phí và không được để nó vượt ra khỏi tầm kiểm soát của mình.
Đối với bộ ba kia, chấm dứt chương trình cứu trợ tài chính cho Hy Lạp chẳng khác gì không còn phải nuôi “con nghiện” trong nhà nữa, mà còn chứng tỏ khả năng xử lý khủng hoảng và duy trì ảnh hưởng của mình.
Đối với chính phủ Hy Lạp, đây là sự giải thoát thực sự khi không còn phải chịu sự áp đặt chính sách từ phía EU, ECB và IMF. Bởi càng chịu khuất phục trước đối tác bên ngoài, cụ thể là EU, ECB và IMF, thì chính phủ Hy Lạp càng bị mất uy tín. Sự giải thoát này sẽ đóng vai trò rất quyết định nếu phe cầm quyền hiện tại ở Hy Lạp muốn thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội sắp tới.
Sẽ rất bất công nếu cho rằng công cuộc cứu trợ tài chính của EU, ECB và IMF đối với Hy Lạp trong 8 năm qua không đem lại kết quả đáng kể gì. Nhưng rất cần đánh giá thận trọng về các chương trình cứu trợ của các tổ chức này đã giúp xử lý được dứt điểm khủng hoảng tài chính và nợ công của Hy Lạp hay chưa.
Bài học không chỉ cho riêng ai
Nếu xét theo GDP thì bức tranh kinh tế của Hy Lạp hiện không được sáng sủa. Năm ngoái, GDP của nước này tăng 1,35%, trong khi năm 2011 còn giảm 9,13%. Năm 2017, GDP của nước này đạt 200 tỷ USD, trong khi năm 2008 là 350 tỷ USD. Nếu tính theo đầu người thì GDP năm 2017 là 18.600 USD, trong khi của năm 2008 là 32.200 USD.
Năm 2008, mức độ nợ công của Hy Lạp là 109% GDP, năm ngoái là 180%, năm 2019 dự đoán còn tăng lên tới 190% GDP. Tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp năm 2008 là 7,8% trong khi năm 2017 là 21,5%. Những số liệu này đủ để cho thấy, nếu cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công của Hy Lạp đã thực sự bị đẩy lùi, thì hệ lụy của nó vẫn còn rất nặng nề và phải cần thêm nhiều thời gian và công sức nữa mới có thể được khắc phục. Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, thậm chí không thể loại trừ khả năng khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn.
Từ việc xử lý khủng hoảng tài chính và nợ công của Hy Lạp, có thể rút ra một số bài học. Thứ nhất, phải biết phòng bệnh hơn chữa bệnh và tránh nước đến chân mới nhảy. Khủng hoảng tài chính và nợ công có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào và đối với bất cứ quốc gia nào khi chính sách tài chính ngân sách không được lành mạnh và lệ thuộc hoàn toàn hoặc phần lớn vào vay nợ.
Thứ hai, là bài học về mục đích vay nợ công và quản lý nợ công. Vay nợ công với kế hoạch trả nợ rõ ràng, cụ thể và khả thi khác với vay nợ công chỉ để đạt được mục tiêu chính trị xã hội trước mắt phục vụ cho việc duy trì quyền lực, tức là để cho các thế hệ sau phải trả giá.
Thứ ba, là bài học về phòng ngừa bị vạ lây từ bên ngoài. Đây là bài học về chủ động ứng phó với những tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài về chính trị, an ninh, kinh tế, tài chính và tiền tệ.
Bài học cho tất cả các quốc gia là luôn sẵn sàng có cơ chế xử lý khủng hoảng trong phạm vi quốc gia và cơ chế hợp tác quốc tế để phòng ngừa và đối phó khủng hoảng. Vay nợ công luôn như “con dao hai lưỡi”, nên các quốc gia phải sử dụng nợ công có hiệu quả, tránh lãng phí và không được để nó vượt ra khỏi tầm kiểm soát của mình.