Thúc đẩy bình đẳng giới để nâng cao lợi thế cạnh tranh
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) quan tâm thúc đẩy thay đổi nhận thức về việc phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo đánh giá của hãng kiểm toán Deloitte Global, Việt Nam đứng đầu châu Á về tỷ lệ người điều hành doanh nghiệp là phụ nữ. Báo cáo "Phụ nữ trong quản trị: Một cái nhìn toàn cầu" của Deloitte Global vào năm 2017 đã cho thấy, Việt Nam đứng đầu châu Á với 17,6% thành viên quản trị là phụ nữ, cao hơn mức trung bình trên toàn thế giới (15%).
Sau Việt Nam là Malaysia với 13,7% và Singapore với 10,2%. Thấp nhất trong khu vực châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc với tỷ lệ lãnh đạo phụ nữ lần lượt là 3,5% và 4,1%. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ quản trị tại châu Á vẫn rất thấp, chỉ cao hơn Mỹ Latinh.
Có thể bạn quan tâm
VNPT cung cấp dịch vụ viễn thông - CNTT phục vụ Hội nghị WEF ASEAN 2018
19:15, 05/09/2018
Tạo ấn tượng tốt về Việt Nam với toàn cầu thông qua WEF-ASEAN
16:45, 22/08/2018
"WEF ASEAN 2018 là cơ hội cho Việt Nam"
17:16, 09/08/2018
Việt Nam sẽ đón số lượng kỷ lục các nhà lãnh đạo tham dự WEF ASEAN 2018
15:40, 09/08/2018
Đánh giá về vấn đề này, bà Babeth Ngọc Hân Lefur, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho rằng, để phụ nữ tham gia một cách bình đẳng trong nền kinh tế, Chính phủ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần tập trung giải quyết vấn đề về chuẩn mực xã hội, niềm tin và thái độ còn tồn tại trong thực tiễn. Theo đó, việc cho rằng "mô hình kinh tế hiện tại trung lập về giới’ chỉ là giả định. Do đó, môi trường chính sách cần được định hướng lại để chấm dứt tình trạng gấp đôi gánh nặng mà nhiều phụ nữ gặp phải.
"Nâng cao vị thế kinh tế cho phụ nữ cũng là điểm thuyết phục có lợi của các doanh nghiệp, nhưng chưa đủ để minh chứng cam kết thay đổi văn hóa doanh nghiệp vốn chứa đựng những thành kiến cản trở cơ hội tiếp cận của phụ nữ tới nguồn lực, tài sản và các vị trí lãnh đạo", bà Babeth nhận định.
Viện Quốc tế McKinsey đã khẳng định, nếu phụ nữ tham gia một cách bình đẳng trong nền kinh tế toàn cầu, thì sẽ giúp GDP sẽ tăng 28 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2025.
Giám đốc Oxfam cũng cho rằng, rào cản lớn nhất đối với sự thay đổi chính là các chuẩn mực xã hội, niềm tin và thái độ còn tồn tại dai dẳng trong hoạt động thực tiễn tại các công ty và các tổ chức.
Là một trong những diễn đàn kinh tế lớn nhất trên thế giới hiện nay, WEF quan tâm đến việc thúc đẩy sự thay đổi về nhận thức trong việc phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế và mở rộng các mô hình kinh doanh công bằng, giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đóng góp cho một xã hội công bằng hơn. Đặc biệt, khu vực Đông Nam Á được WEF đánh giá sở hữu một loạt các mô hình kinh doanh công bằng đang nổi lên trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, chính phủ các quốc gia Đông Nam Á cũng đang tiến hành hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp xã hội, hợp tác xã lớn mạnh thông qua chính sách công. Mặc dù vậy, WEF cho rằng, chính sách sẽ không có ý nghĩa nếu không được áp dụng một cách nhất quán.
Do đó, các chính sách hỗ trợ riêng trong công việc, các khóa đào tạo riêng dành cho lãnh đạo nữ, cũng như sự hậu thuẫn hỗ trợ từ gia đình là một trong những chìa khóa để tạo động lực thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong việc phát triến kinh tế.
Khu vực Đông Nam Á vẫn được đánh giá là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu và phát triển bền vững, bao trùm. Trong giai đoạn đang có nhiều chuyển đổi như hiện nay, vai trò, sự tham gia và đóng góp của phụ nữ trong quá trình phát triển kinh tế sẽ là tiếp tục là một trong những chủ đề được bàn thảo tại Hội nghị WEF - ASEAN được tổ chức tại Việt Nam sắp tới.