Chiến dịch “Made in China 2025” lao đao vì chiến tranh thương mại
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung như một nhát cứa “chọc thủng” niềm tự hào bấy lâu nay của Trung Quốc về những sáng tạo công nghệ.
Các công ty sản xuất Trung Quốc đã thể hiện tâm lý lo lắng về chiến tranh thương mại. Trong tháng 6/2018, chỉ số các đơn hàng xuất khẩu của tỉnh Quảng Đông sụt giảm. Theo Asian Nikkei Review, các chính sách thuế của Mỹ đã gây sốc với sản xuất công nghiệp của Trung Quốc khi tỷ lệ tăng trưởng sản lượng của một số sản phẩm công nghệ cao như robot và mạch tích hợp giảm sâu.
Giới đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu của các công ty công nghệ Trung Quốc
Theo hãng tin CNN, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của các hãng công nghệ Trung Quốc đi ngược chiều với đà tăng mạnh mẽ của cổ phiếu các công ty công nghệ Mỹ. Trong khi cổ phiếu các công ty công nghệ thuộc chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Phố Wall đã tăng hơn 25% từ đầu năm, một chỉ số đo giá cổ phiếu các hãng công nghệ Trung Quốc giảm 12%.
Còn nhớ cách đây 1 tháng, giới đầu tư công nghệ Trung Quốc đã có một phen “hốt hoảng” khi lần đầu tiên trong suốt 1 thập kỷ, lợi nhuận của “ông lớn” công nghệ Tencent bất ngờ giảm mạnh. Theo Tencent, những khó khăn mà công ty gặp phải trong mảng kinh doanh trò chơi tại Trung Quốc đã dẫn tới kết quả đáng thất vọng này. Cuối năm ngoái, Tencent đã vượt mạng xã hội Facebook về giá trị vốn hóa thị trường. Tuy nhiên, từ tháng 1 đến nay, giá trị vốn hóa của Tencent đã mất khoảng 160 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm
Dự định áp 200 tỷ USD thuế mới lên Trung Quốc, Trump muốn... nâng tầm chiến tranh thương mại?
07:15, 01/09/2018
Chiến tranh thương mại đang "gặm nhấm" doanh nghiệp toàn cầu
04:30, 30/08/2018
Doanh nghiệp Trung Quốc “đổ bộ” vào Thái Lan để né chiến tranh thương mại
11:30, 26/08/2018
Cẩn trọng với mọi biến cố từ chiến tranh thương mại
06:00, 18/08/2018
Nội bộ Trung Quốc "rạn nứt" vì chiến tranh thương mại
11:00, 10/08/2018
Theo ông Mohammed Apabhai – Trưởng Bộ phận chiến lược giao dịch thị trường Châu Á của CitiGroup: "Khi lợi nhuận bắt đầu giảm, thay vì tăng mãi, nhà đầu tư không thể tiếp tục chấp nhận mức giá cổ phiếu cao như hiện tại".
Điều đáng chú ý, Tencent không phải trường hợp cá biệt. Giá cổ phiếu của Baidu, công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, cũng sụt giảm do một cuộc điều chỉnh nhân sự lãnh đạo bất ngờ và những đồn đoán cho rằng Google có thể sắp đưa một công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt vào thị trường Đại lục.
Chưa hết, không chỉ cổ phiếu các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc sụt giảm, mà cổ phiếu các công ty công nghệ nước này mới lên sàn cũng bị bán mạnh.
Đầu năm nay, giới phân tích dự báo hãng sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) Xiaomi sẽ huy động được 10 tỷ USD trong cuộc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên, cuối cùng, Xiaomi chỉ huy động được chưa đầy một nửa số vốn kỳ vọng. Thậm chí, giá cổ phiếu Xiaomi niêm yết tại thị trường Hồng Kông hiện còn đang thấp hơn cả giá IPO. Giám đốc điều hành (CEO) Xiaomi đổ lỗi cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là nguyên nhân khiến các điều kiện thị trường xấu đi cho việc công ty lên sàn.
Giám đốc nghiên cứu của Chatham Road Partners nhận định: "Có một số trở ngại đối với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay, và tất cả các công ty niêm yết đều phải chịu ảnh hưởng, cho dù đó là Alibaba hay Tencent"
Các công ty công nghệ của Trung Quốc đang “ngấm đòn”
Theo Reuters, dưới tác động của cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra, Bắc Kinh mới đây buộc phải hạ thấp mục tiêu trong “Made in China 2025”, một chính sách công nghiệp được chính phủ hậu thuẫn nhằm đưa Trung Quốc thống trị 10 lĩnh vực công nghệ cao toàn cầu như robot, hàng không vũ trụ, xe năng lượng sạch…
Chính sách này là cốt lõi trong nỗ lực biến Trung Quốc thành một siêu cường vào năm 2050. Tuy nhiên, điều này khiến nội các của ông Trump không hài lòng. Bằng chứng là khung thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỉ USD có hiệu lực từ ngày 6.6 đặc biệt nhắm vào các mặt hàng liên quan tới “Made in China 2025”.
“Trung Quốc nên ngừng tự huyễn hoặc bản thân rằng mình là người đi đầu về khoa học và công nghệ của thế giới”, ông Lưu Á Đông - Tổng biên tập tờ Nhật báo Khoa học và Công nghệ, một cơ quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho biết. Thậm chí, ông Lưu Á Đông còn cho biết thêm Trung Quốc nghĩ mình sớm đủ khả năng thay thế Mỹ ở vị trí số một trong lĩnh vực khoa học, công nghệ thì chỉ là “tự lừa dối bản thân”.
Nhận định trên của ông Lưu không phải không có lý, Ở thời điểm tháng 5/2018, hoạt động sản xuất robot công nghiệp của Trung Quốc tăng trưởng hơn 30%/năm. Thế nhưng tính từ tháng 6/2018, một tháng trước khi sản phẩm robot công nghiệp chịu thuế 25%, tăng trưởng so với cùng kỳ năm chỉ ở mức một con số. Trong tháng 8/2018, sản xuất robot công nghiệp tăng trưởng 9%.
Tương tự như vậy, sản xuất sản phẩm mạch tích hợp tăng trưởng chỉ 5,8% trong tháng 8/2018, chỉ bằng nửa tốc độ tăng trưởng của tháng 7/2018. Hoạt động sản xuất ô tô bắt đầu suy giảm trong tháng 7/2018, mức sụt giảm trong tháng 8/2018 lên đến 4,4%.
Trong tháng 8/2018, nắng nóng tồi tệ tại Trung Quốc khiến lượng điện tiêu thụ tăng cao, sản lượng điện tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ năm. Mức tăng so với cùng kỳ của tháng 8/2018, như vậy cao hơn rất nhiều so với mức tăng 1,6% của tháng 7/2018. Sản lượng dầu thô trong tháng 8/2018 tăng trưởng lần đầu tiên trong 3 năm khi giá dầu trên thị trường quốc tế tăng.
Các công ty sản xuất Trung Quốc đã thể hiện tâm lý lo lắng về chiến tranh thương mại. Trong tháng 6/2018, chỉ số các đơn hàng xuất khẩu của tỉnh Quảng Đông giảm xuống dưới ngưỡng 50 - ngưỡng tăng trưởng. Đây là lần suy giảm đầu tiên của chỉ số này trong 2 năm rưỡi. Từ đó đến nay, chỉ số liên tục duy trì ở dưới ngưỡng 50.