Doanh nghiệp “bẻ lái” né chiến tranh thương mại
Khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung trở nên căng thẳng, các chuyên gia nhận định rằng nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc đã và đang cố gắng né dòng thuế đang tăng cao, bằng nhiều cách khác nhau.
Đẩy hàng sang thị trường thứ ba
Lãnh đạo doanh nghiệp và giới chuyên gia cho rằng các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ né thuế nhập khẩu bằng cách vẽ lại đường di chuyển của hàng hóa – điều làm dấy lên câu hỏi liệu thuế quan có phải là cách hữu hiệu để cân bằng cán cân thương mại hay không?
Có thể bạn quan tâm
Giá dầu thế giới “lao đao” vì chiến tranh thương mại
11:01, 19/09/2018
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục "leo thang"
11:30, 18/09/2018
Chiến dịch “Made in China 2025” lao đao vì chiến tranh thương mại
13:23, 16/09/2018
Kinh tế toàn cầu suy giảm vì chiến tranh thương mại
04:01, 09/09/2018
Theo ông Dane Chamorro, chuyên gia của Hãng tư vấn rủi ro Control Risks (Singapore), trong ngắn hạn, môi trường bấp bênh như hiện nay thường dẫn đến hành vi né tránh, thậm chí là gian lận thương mại để các nhà sản xuất có thể tránh được thiệt hại vì các sản phẩm bị áp thuế có lợi nhuận rất thấp, thậm chí đến nỗi mức thuế 10% sẽ thổi bay lợi nhuận.
Bên cạnh đó chuỗi cung ứng cần phải có thời gian để điều chỉnh chứ không thể thay đổi chỉ trong 1 đêm. Ông Dane Chamorro lấy ví dụ từ ngành công nghiệp mật ong của Trung Quốc. Trung Quốc là nước sản xuất mật ong lớn nhất thế giới, thế nhưng mặt hàng mật ong Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2001.
Đã nhiều năm qua, các doanh nghiệp Trung Quốc lách luật né thuế bằng cách bán rất nhiều những thùng mật ong không nhãn mác sang Thái Lan và Việt Nam. Sau đó, mật ong loại này được niêm yết xuất xứ là một trong những nước Đông Nam Á này. Mật ong tiếp đó được chuyển từ Thái Lan và Việt Nam sang Mỹ mà không phải chịu thuế bán phá giá, và điều đó hiện nay vẫn tiếp tục diễn ra.
Điều tương tự cũng xảy ra trong ngành công nghiệp gỗ dán. Các kiện hàng được xuất tạm sang Việt Nam, sau đó được đóng gói lại rồi xuất sang Mỹ. Các công ty điện tử quy mô nhỏ và vừa của Hồng Kông cũng có thể áp dụng mẹo này nếu như Mỹ mở rộng danh sách đánh thuế.
Chủ tịch Diễn đàn CEO châu Á, ông Mark Michelson, nhận định nếu Mỹ thực sự mở rộng danh mục mặt hàng bị đánh thuế, điều tương tự sẽ diễn ra đối với các công ty điện tử quy mô nhỏ và vừa tại Hồng Kông.
Doanh nghiệp ASEAN hưởng lợi
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sẽ chẳng có bên nào chiến thắng trong chiến tranh thương mại. Thế nhưng, các doanh nghiệp Đông Nam Á đang cố gắng chứng minh rằng quan điểm đó hoàn toàn sai.
Theo Bloomberg, khu vực này đang tập trung vào nhận đơn hàng mới cũng như đón làn sóng gia nhập của các công ty sản xuất khi mà các doanh nghiệp cân nhắc chuyển hoạt động kinh doanh trong bối cảnh chiến tranh thương mại gia tăng.
Theo số liệu của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, khoảng 1/3 trong tổng số khoảng 430 công ty Mỹ tại Trung Quốc đã hoặc đang cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và Đông Nam Á là điểm đến yêu thích nhất của họ.
Nhóm 10 nền kinh tế thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á dễ trở thành thỏi nam châm thu hút doanh nghiệp mới bởi chi phí sản xuất thấp cũng như hạ tầng sản xuất tốt, tăng trưởng kinh tế ổn định trung bình ở mức 5,3%. Ngoài ra, xếp hạng môi trường kinh doanh của nhóm nước này ở mức tốt, đó là còn chưa kể đến việc vị trí địa lý gần Trung Quốc.
Giám đốc một công ty sản xuất hàng thiết bị nội thất gia đình tại Việt Nam cho biết ông dự báo doanh số bán hàng đi Mỹ của doanh nghiệp ông trong nửa sau năm 2018 ước tính tăng đến 10%. Công ty của ông đã nhận được khá nhiều đơn hàng từ những khách hàng Mỹ trước đây từng mua hàng của các nhà sản xuất Trung Quốc.
Và không chỉ Việt Nam, Thái Lan cũng được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều từ làn sóng dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Trung Quốc. Các công ty sản xuất hàng điện tử tiêu dùng không phải nhóm duy nhất tại Thái Lan hưởng lợi, mà nhiều công ty cung cấp hải sản, cao su và du lịch của Thái Lan cũng sẽ hưởng lợi khi hàng Trung Quốc mất lợi thế cạnh tranh.