Trung Quốc lại để ngỏ khả năng đàm phán thương mại với Mỹ

Cẩm Anh 25/09/2018 17:01

Trung Quốc vừa đưa ra thông báo sẽ tiếp tục đàm phán thương mại với Mỹ với điều kiện Washington cần thể hiện sự chân thành và không gây áp lực thuế quan với Bắc Kinh.

Liệu cú bắt tay giữa Mỹ và Trung Quốc có dễ dàng đạt được?

Giới chuyên gia cho rằng, Mỹ và Trung Quốc vẫn còn khá nhiều bất đồng trong việc giải quyết xung đột thương mại.

Mặc dù vậy, Trung Quốc không nóng vội trong việc nối lại đàm phán thương mại với Mỹ. Theo giới chuyên gia, quốc gia này có thể sẽ tiếp tục đẩy mạnh kích thích tiêu dùng trong nước, đầu tư và mở cửa nền kinh tế thị trường, củng cố khu vực doannh nghiệp tư nhân để chống lại tác động từ tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ, đồng thời tăng cường hợp tác với Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Nga và các quốc gia ASEAN.

Theo Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen, Trung Quốc sẽ không hy sinh quyền phát triển kinh tế cho các cuộc đàm phán thương mại, đồng thời sẽ làm sâu sắc thêm các cuộc cải cách đang diễn ra của nền kinh tế. 

Có thể bạn quan tâm

  • Chứng khoán toàn cầu lại “lao đao” vì chiến tranh thương mại Mỹ- Trung

    11:01, 25/09/2018

  • Mỹ "bắt tay" Hàn Quốc, ký lại thỏa thuận thương mại tự do

    11:00, 25/09/2018

  • Chiến tranh thương mại Mỹ- Trung và “ván bài lật ngửa”

    16:27, 24/09/2018

  • Điều gì sẽ xảy ra sau chiến tranh thương mại Mỹ- Trung?

    11:40, 24/09/2018

Trong khi đó cũng không có dấu hiệu nào cho thấy Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đàm phán thương mại với Trung Quốc, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại khi Tổng thống Donald Trump tiếp tục đe dọa tăng thêm thuế quan đối với Trung Quốc, và các quan chức Mỹ đã khuyên người nông dân rằng họ nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. 

Mỹ và Trung Quốc đã từng nỗ lực đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại, nhưng nhiều vòng đàm phán trong những tháng gần đây đã không tạo ra bất kỳ đột phá nào. 

"Tranh chấp thương mại Mỹ- Trung chỉ có thể được giải quyết nếu cả hai bên đều đứng ngang nhau và thể hiện sự chân thành với nhau", ông Wang Shouwen nhấn mạnh.

Đánh giá về những tín hiệu Trung Quốc đưa ra, các chuyên gia lại không lạc quan rằng Mỹ và Trung Quốc có thể tìm được tiếng nói chung. Trung Quốc dường như tin tưởng rằng Tổng thống Trump đang chịu áp lực chính trị để đạt được một thỏa thuận trước cuộc bầu cử giữa tháng 11 sắp tới. Nhưng với một nền kinh tế mạnh trong nước và thị trường chứng khoán tăng mạnh, Tổng thống Mỹ không có động lực để thỏa hiệp. 

Ông William Zarit, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc, cũng cho biết cuộc xung đột thương mại Mỹ- Trung có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn.

"Thật không may, những chiến thuật mà phía Mỹ đang sử dụng lại không cho Trung Quốc một con đường lùi", ông William Zarit nhận định và cho biết ông không chắc chắn rằng phía Mỹ cũng nhận thức được những gì đang thực sự xảy ra và cách giải quyết tốt nhất với Trung Quốc. Bởi vậy, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung sẽ còn kéo dài.

Đồng tình với quan điểm của ông Zarit, ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics đánh giá, Bắc Kinh không có ý định chấm dứt cuộc chiến thương mại với Washington mà chỉ để cho cộng đồng quốc tế thấy sự “chân thành và sẵn lòng giải quyết vấn đề thương mại”. 

"Trung Quốc đang muốn được nhìn nhận là một nạn nhân chứ không phải là thủ phạm của cuộc chiến thương mại, và sách Trắng là một phần của nỗ lực đó", ông Julian Evans-Pritchard nói và nhận định, sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ, cuộc chiến thương mại giữa hai nước sẽ có sự thay đổi.

Cẩm Anh