Rủi ro tăng giá dầu thế giới

Thuỵ Vân 05/10/2018 14:00

Giá dầu mỏ thế giới tăng mạnh quá đều tác động tiêu cực đến cả các nước khai thác và xuất, nhập khẩu dầu mỏ trên thế giới.

Trong bài phát biểu vừa qua trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ), Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu OPEC phải tăng sản lượng khai thác dầu mỏ hàng ngày để điều tiết giá dầu thế giới. Ông Trump đe doạ sẽ ngừng bảo vệ an ninh cho một số nước thành viên của OPEC nếu yêu cầu nói trên của Mỹ không được đáp ứng. Tuy nhiên, OPEC sẽ khó chiều theo ý Mỹ, vì không phải tất cả các thành viên OPEC đang cần sự đảm bảo an ninh của Mỹ.

p/Biến động giá dầu thô thế giới từ tháng 6- 10/2018. Đvt: USD/thùng

Biến động giá dầu thô thế giới từ tháng 6- 10/2018. Đvt: USD/thùng

Có thể bạn quan tâm

  • Cuộc chiến giá dầu tiếp tục "leo thang"

    04:35, 04/10/2018

  • Vượt ngưỡng 85USD/thùng, giá dầu lập kỷ lục mới

    11:01, 02/10/2018

  • Giá dầu tăng vượt 81 USD/thùng, giúp cổ phiếu dầu khí “dẫn dắt” thị trường ngày 25/9

    10:34, 25/09/2018

  • Giá dầu thế giới “lao đao” vì chiến tranh thương mại

    11:01, 19/09/2018

  • Giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng?

    13:00, 12/09/2018

  • Giá dầu thô sẽ tăng vọt nếu Iran chặn eo biển Hormuz

    04:30, 03/08/2018

Nguyên nhân giá dầu tăng mạnh

Giá dầu thô Brent trên thị trường thế giới hiện đã leo lên mức 85 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014, do một số nguyên nhân sau đây.

Thứ nhất, từ khá lâu nay đã hình thành cơ chế thống nhất giữa các nước thành viên OPEC và một số nước không phải là thành viên của tổ chức này để tác động chi phối giá dầu thế giới. Biện pháp được các nước này thực thi là hạn chế sản lượng khai thác dầu mỏ hàng ngày, tức là kiểm soát bên cung để chi phối bên cầu. Trên lý thuyết, giá dầu tăng có lợi trực tiếp cho các nước khai thác và xuất khẩu dầu mỏ. Nhưng mặt trái của nó là các nước nhập khẩu sẽ hạn chế sử dụng và tìm nguồn năng lượng khác thay thế. Bởi vậy, các nước này sẽ tìm cách duy trì giá dầu thế giới không quá cao. Tuy nhiên, hiện nay OPEC và các đối tác chủ trương không tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu mỏ hàng ngày vì thấy chưa đến lúc cần phải can thiệp giá dầu.

Thứ hai, trên thị trường dầu mỏ thế giới, tác động của nhân tố đầu cơ và chính trị thế giới luôn rất đáng kể. Ông Trump hiện đang gia tăng căng thẳng và đối địch với Iran, khiến không ít đối tác ngừng hợp tác với quốc gia này về khai thác dầu và đã làm giảm sản lượng khai thác dầu của Iran. Sự lo ngại của thị trường và hoạt động đầu cơ gia tăng đã khiến cầu tăng, trong khi cung giảm.

Thứ ba, kinh tế thế giới nói chung tiếp tục đà tăng trưởng nên nhu cầu về dầu mỏ hiện tại và cả trong tương lai chưa thể giảm.

Thứ tư, trước đây giá dầu mỏ thế giới giảm bởi tác động của nhiều lý do, trong đó có lý do là ở Mỹ tăng cường khai thác dầu khí theo công nghệ mới- dầu đá phiến. Hiện tại, đầu tư vào khai thác dầu đá phiến ở Mỹ giảm đáng kể vì đồng USD mạnh lên và Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất cơ bản.

Tác động đến kinh tế thế giới

Nếu Mỹ không lo ngại về tác động tiêu cực từ giá dầu tăng, thì chắc chắn ông Trump đã không làm to chuyện ở LHQ về giá dầu và không gây hấn với OPEC. Tuy nhiên, giá dầu tăng mạnh hay ít và nhanh hay chậm lại là chuyện khác, nhưng biến động bất ngờ lại rất đáng phải lo ngại, nếu như không muốn nói là nguy hại, ngay cả với OPEC. Mục tiêu của OPEC và cả Mỹ là "ổn định trong biến động", tức là có tăng thì phải dần dần và nếu giảm thì cũng phải từ từ.

Triển vọng tăng giá dầu thế giới hiện chưa tác động tiêu cực nhiều đến nhịp độ tăng trưởng của kinh tế thế giới nói chung. Tuy nhiên, nếu giá dầu tăng cao hơn nữa - theo kinh nghiệm lịch sử thì bắt đầu từ ngưỡng 90 USD/thùng trở lên - thì sẽ gây khó khăn cho tăng trưởng kinh tế thế giới. Bởi vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đa dạng hoá nguồn cung ứng và sử dụng những nguồn năng lượng mới thay thế dầu mỏ vì thế vẫn luôn là bài toán khó mà các nước nhập khẩu dầu mỏ buộc phải giải, là thách thức không thể lẩn tránh mà buộc phải tìm cách vượt qua.

Dầu mỏ ở cả hiện tại và trong tương lai vẫn đóng vai trò rất quan trọng và rất chiến lược. Khai thác dầu thô để xuất khẩu đi cùng với lọc, chế biến và tạo giá trị gia tăng ở ngay trong nước mới là thượng sách, vì sẽ kết hợp được tận lợi cho hiện tại với chuẩn bị cho tương lai. Câu chuyện dầu mỏ vẫn không chỉ đơn thuần là chuyện kinh tế và thương mại thuần tuý mà còn là chuyện quan hệ giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế, là chuyện chính trị quyền lực khu vực và thế giới.

Việt Nam không nằm ngoài ảnh hưởng

Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu thô. Nếu giá dầu thô tiếp tục tăng, sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, ngành dầu khí cũng được hưởng lợi khi nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ có xu hướng đổ mạnh vào ngành này để đón cơ hội tăng giá dầu. Ngoài ra, thị trường chứng khoán sẽ được tác động tích cực thông qua nhóm cổ phiếu dầu khí.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang chủ yếu nhập khẩu xăng dầu để tiêu thụ trong nước. Do đó, giá dầu thô thế giới tăng sẽ khiến giá xăng dầu trong nước tăng lên. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Đặc biệt, giá xăng dầu trong nước tăng mạnh sẽ làm cho áp lực lạm phát gia tăng, khiến việc điều hành của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát mục tiêu trở nên khó khăn hơn. Nếu áp lực lạm phát gia tăng, NHNN sẽ buộc phải tăng lãi suất, tác động tiêu cực đến động lực tăng trưởng của nền kinh tế…

Thuỵ Vân