Mỹ đang mở cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Trung Quốc?

Cẩm Anh 07/10/2018 11:00

Chính quyền Trump không chỉ tấn công Trung Quốc bằng biện pháp thuế quan, mà đang gia tăng thêm nhiều sức ép khác đối với quốc gia này.

Mỹ đang mở cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Trung Quốc?

Mỹ đang mở cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Trung Quốc?

Sau hàng loạt những chỉ trích nhằm vào Trung Quốc, các cơ quan thuộc chính phủ Mỹ, từ Lầu Năm Góc đến Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đang có dự định cho các cuộc tấn công trường kỳ nhằm gây tổn hại kéo dài cho nền kinh tế Trung Quốc.

Một loạt tuyên bố và hành động của chính quyền Trump cho thấy, họ đang cố gắng chứng minh rằng, những Tổng thống tiền nhiệm của Trump đã làm quá ít để đối phó với việc Trung Quốc thực hiện các thực tiễn thương mại không công bằng, vi phạm an ninh mạng và sở hữu trí tuệ; đánh cắp công nghệ và gia tăng ảnh hưởng qua sáng kiến "Vành đai và Con đường" trong nhiều năm qua.

Những động thái của Mỹ trong tuần này được cho là những bước đi mới nhằm gia tăng sức ép đối với Trung Quốc. Đầu tiên là bài phát biểu mang tính bước ngoặt của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khi ông cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu của Mỹ trong phạm vi cả bên trong và bên ngoài nước Mỹ.

Theo ông Pence, Trung Quốc không chỉ nhắm tới cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ, mà còn muốn can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Nhắc lại một quan điểm của Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Pence nói rằng: "Những gì người Nga đang làm là rất nhỏ so với những gì Trung Quốc đang làm trên khắp đất nước này."

Ông Pence cũng thừa nhận rằng Tổng thống Mỹ đã xây dựng một mối quan hệ cá nhân tích cực với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và họ đã làm việc cùng nhau về các vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt là việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang sử dụng cách tiếp cận toàn diện, sử dụng các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự, cũng như tuyên truyền, nâng cao tầm ảnh hưởng và lợi ích của họ ở Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng đang áp dụng quyền lực này theo những cách chủ động hơn bao giờ hết, để gây ảnh hưởng và can thiệp vào kinh tế và chính trị của Mỹ.

Bài phát biểu của ông Pence đã làm gia tăng đáng kể những chỉ trích của chính quyền Trump đối với Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng căng thẳng xung quanh một loạt vấn đề như chiến tranh thương mại, Biển Đông, khu tự trị Tân Cương, Đài Loan hay tấn công mạng...

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) yêu cầu cả ba thành viên của Hiệp định này  phải thông báo cho nhau nếu họ bắt đầu đàm phán thương mại với một nền kinh tế phi thị trường (Mỹ luôn cho rằng Trung Quốc là nền kinh tế phi thị trường). Nếu thành viên nào không tuân thủ điều khoản này, thì USMCA sẽ vô hiệu và các thành viên còn lại sẽ chuyển sang thỏa thuận thương mại song phương. Đây được cho là tiền lệ để Mỹ đàm phán với các đối tác khác trong thời gian tới nhằm cô lập Trung Quốc bằng các thỏa thuận thương mại.

Ngoài ra, một báo cáo rò rỉ cho rằng Hạm đội Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ đã đề xuất một loạt các hoạt động quân sự được tiến hành trong tháng 11 tới để cảnh báo tới Trung Quốc và ngăn chặn các tham vọng quân sự của Bắc Kinh trong khu vực này. 

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến tranh thương mại (Kỳ I): Cái sảy có nảy cái ung?

    11:06, 04/10/2018

  • Chiến tranh thương mại (Kỳ cuối): Tìm “bãi đáp” ở đâu?

    04:37, 05/10/2018

  • Đầu tư cổ phiếu theo chiến tranh thương mại

    11:01, 06/10/2018

  • Sản xuất của Trung Quốc "điêu đứng" vì chiến tranh thương mại

    04:30, 01/10/2018

Đặc biệt, ngày 5/10 vừa qua, Lầu Năm Góc đã công bố kết quả của một cuộc điều tra về các lỗ hổng trong cơ sở sản xuất công nghiệp và quân sự của Mỹ. "Trung Quốc đang tạo ra những mối đe dọa nghiêm trọng và ngày càng gia tăng trong việc việc cung cấp những nguyên vật liệu (trong đó có đất hiếm được sử dụng để chế tạo vũ khí công nghệ cao), được coi là chiến lược đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ", báo cáo cho biết. 

Giới quan sát cho rằng, những động thái mới nói trên của chính quyền Trump sẽ gây sức ép đáng kể đối với Trung Quốc và có thể tạo ra những rủi ro đáng kể cho thế giới, thậm chí những rủi ro này lớn hơn trong những năm Chiến tranh lạnh trước đây. 

GS. Graham Allison từ Đại học Harvard đã phổ biến khái niệm "Thucydides Trap", có nghĩa là khi một cường quốc vươn lên thay thế một cường quốc khác, có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh. Theo ông Allison, để tránh kết cục đáng sợ này, Mỹ và Trung Quốc sẽ cần loại bỏ tư tưởng cực đoan trong những xung đột hiện nay.

Sự thay đổi chiến lược của Mỹ nhằm đối phó với Trung Quốc là một trong những động thái táo bạo nhất trong thời gian vừa qua. Giới quan sát cho rằng, vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với Mỹ là chiến lược đó cần được thực hiện như thế nào để tránh cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc.

Cẩm Anh