Liên minh Mỹ - Nhật có kìm chế được tham vọng của Trung Quốc?
Nhiều chuyên gia cho rằng, nỗ lực của Nhật Bản trong việc cản trở tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á- Thái Bình Dương sẽ không có hiệu quả nếu không có sự trợ giúp từ Hoa Kỳ.
Ông Stephen Nagy, Giáo sư thuộc khoa chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Thiên chúa giáo quốc tế tại Tokyo cho rằng, Nhật Bản cần hợp tác chặt chẽ với Mỹ để ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở châu Á.
"Nhật Bản không thể làm điều này một mình, mà cần sự hỗ trợ kinh tế cũng như an ninh từ Hoa Kỳ", ông Nagy cho biết và nhấn mạnh, Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông cần hiểu rằng nếu không có sự hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương, chính sách "nước Mỹ trên hết" có thể bị thất bại.
Có thể bạn quan tâm
Mỹ tạo liên minh mới chống Trung Quốc
11:04, 10/10/2018
Ngoại trưởng Mỹ "hứng chịu" chỉ trích mạnh mẽ tại Bắc Kinh
04:30, 09/10/2018
Mỹ và Triều "nóng lòng" tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần 2
04:30, 08/10/2018
Mỹ đang mở cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Trung Quốc?
11:00, 07/10/2018
Ông Nagy phân tích, nếu Washington không tích cực hợp tác với các nước ở châu Á Thái Bình Dương, khu vực này sẽ bị chi phối bởi Trung Quốc và các cường quốc khác. Với những xung đột thương mại hiện nay, thị trường tiêu dùng ở khu vực này sẽ không mở cửa cho Mỹ. Do đó, Mỹ sẽ chiu thiệt hại nặng nề hơn so với những gì mà cuộc chiến thương mại mang lại.
Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc đi kèm với tham vọng địa chính trị sẽ tạo ra một hệ thống phân cấp kinh tế trong khu vực. Khi đó, một số quốc gia tại châu Á - Thái Bình Dương nhiều khả năng sẽ không được tự do giao dịch với các khu vực khác. Điều này gần giống với cách Mỹ "trói" Canada và Mexico với Hiệp định USMCA.
Trong khi đó, khu vực Ấn Độ- Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược rất lớn trong nền kinh tế thế giới. Nhận thức rõ về vấn đề này, Hoa Kỳ và các đồng minh, kể cả Nhật Bản, đã thông qua rất nhiều chiến lược, trong đó có chiến lược "Ấn Độ- Thái Bình Dương tự do và mở cửa" để hạn chế tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực Biển Đông.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Mekong-Nhật Bản lần thứ 10 được tổ chức vừa qua tại Tokyo, Nhật Bản đã đồng ý tăng cường hợp tác với Đông Nam Á. Hội nghị này là một phần nỗ lực của Nhật Bản nhằm tăng cường sự hiện diện và vị thế của mình tại khu vực này trong bối cảnh sự bành trướng kinh tế và chính trị của Trung Quốc ngày càng gia tăng thông qua sáng kiến BRI.
Tuy nhiên, các nhà quan sát lo ngại Trump có thể đẩy Nhật Bản xích lại gần hơn với Trung Quốc, khi Chủ tịch Tập Cận Bình đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.
Nhật Bản có những lo lắng về sự bỏ rơi của Mỹ. Các chính sách bảo hộ và định hướng “Nước Mỹ là trên hết” của Trump đang đặt ra một rủi ro mới cho liên minh Mỹ- Nhật. Sự rút lui của Trump khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương- TPP và việc áp thuế lên thép và nhôm Nhật Bản của chính quyền Trump đã gây bất bình trong nội bộ chính quyền Nhật Bản, thậm chí với chính Thủ tướng Shinzo Abe.
Mặc dù vậy, liên minh Mỹ- Nhật vẫn được cho là nền tảng của hòa bình và ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Mỹ cần cho thấy một sự hiện diện rõ nét hơn tại khu vực này để tiếp tục duy trì thế chân kiềng vốn có trước sự phủ bóng ngày một rộng lớn của Trung Quốc.