Trung Quốc sẽ tiếp tục cải cách kinh tế
Lời tuyên bố trên của Thủ tướng Lý Khắc Cường được đưa ra trong bối cảnh nhiều tổ chức tài chính quốc tế dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục tụt dốc vì chiến tranh thương mại.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa nền kinh tế, cải cách và cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy cải cách nền kinh tế của mình.
"Nền kinh tế của Trung Quốc vẫn tăng trưởng khá tốt, mặc dù đang đối mặt với những thách thức từ môi trường bên ngoài. Bắc Kinh sẽ hướng tới việc xây dựng tỷ giá hối đoái được định hướng theo thị trường, sẽ không phá giá CNY để cạnh tranh, và đảm bảo duy trì ổn định đồng CNY", ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Trung Quốc, Bắc Kinh ủng hộ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), những thay đổi về thương mại phải được thực hiện dựa trên các quy định hiện hành của WTO và quyền lợi của các nước đang phát triển phải được tôn trọng. "Các nước Châu Á và Châu Âu cần phải bảo vệ chủ nghĩa đa phương và hệ thống thương mại tự do dựa trên các quy tắc của thế giới", ông Lý Khắc Cường nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
ASEM 12: Đẩy mạnh hợp tác thương mại Á - Âu
00:04, 20/10/2018
Kinh tế Trung Quốc "kiệt quệ" vì chiến tranh thương mại
04:27, 21/10/2018
Làn sóng dịch chuyển sản xuất điện tử khỏi Trung Quốc
00:11, 21/10/2018
“Đòn gió” của Trung Quốc với CPTPP?
05:16, 20/10/2018
Phát biểu này của Thủ tướng Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, cũng như quan hệ giữa Mỹ và EU cũng đang bắt đầu bước vào giai đoạn "cơm không lành, canh không ngọt". Thực tế này khiến giới chức châu Âu phải có cái nhìn mới về vai trò của sự hợp tác với châu Á, đặc biệt với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia, để đảm bảo lợi ích của các nước EU.
Chuyên gia Mikhail Belyaev từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga cho biết: "Châu Âu luôn định hướng vào các hoạt động ngoại thương. Khi Washington cố gắng thay đổi trật tự kinh tế và thương mại nước ngoài xuất phát từ lợi ích của Mỹ, châu Âu hiểu rõ rằng trung tâm ngoại thương và kinh tế nước ngoài đang chuyển sang địa bàn châu Á. Câu chuyện ở đây không chỉ nói về những quốc gia lớn ở châu Á, mà cả những nước nhỏ hơn.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu ASEM 12 vừa qua, các nhà lãnh đạo hai châu lục Á- Âu đã thảo luận chiến lược mới của EU trong các lĩnh vực hợp tác với châu Á. Mục tiêu của chiến lược này là cải thiện giao thông vận tải, truyền thông kỹ thuật số và năng lượng giữa hai châu lục, đồng thời thúc đẩy các chuẩn mực về môi trường và lao động. Đại diện lãnh đạo của Bỉ nhấn mạnh rằng những chiến lược này của Châu Âu không phải là lời đáp trả bất kỳ một chương trình nào của một quốc gia thứ ba nào khác (ám chỉ Mỹ- pv).
Nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng, mối quan tâm ngày càng tăng của châu Âu tới phát triển giao thông vận tải và liên kết với châu Á như là một sự ủng hộ trực tiếp cho sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc.