Nguy cơ khủng hoảng hạt nhân toàn cầu

Ngọc Anh 22/10/2018 05:01

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987 làm dấy lên lo ngại về nguy cơ khủng hoảng hạt nhân toàn cầu.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu Mỹ rút khỏi INF có thể dẫn tới nguy cơ khủng hoảng hạt nhân toàn cầu

Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu Mỹ rút khỏi INF có thể dẫn tới nguy cơ khủng hoảng hạt nhân toàn cầu

Ông Trump cho biết: Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF, vì Nga đã từng vi phạm các điều khoản của Hiệp ước này trong nhiều năm. “Chúng tôi không chấp nhận được việc cả Nga và Trung Quốc đều đã và đang đẩy mạnh vũ khí hạt nhân, trong khi Mỹ đảm bảo tuyệt đối Hiệp ước INF, ông Trump cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Tổng thống Mỹ sẽ không được kích hoạt vũ khí hạt nhân khi Quốc hội chưa tuyên bố chiến tranh?

    Tổng thống Mỹ sẽ không được kích hoạt vũ khí hạt nhân khi Quốc hội chưa tuyên bố chiến tranh?

    15:38, 18/11/2017

  • Mỹ và Hàn Quốc hợp tác triển khai vũ khí hạt nhân

    Mỹ và Hàn Quốc hợp tác triển khai vũ khí hạt nhân

    16:14, 20/09/2017

  • Triều Tiên có dấu hiệu tái sản xuất nguyên liệu cho vũ khí hạt nhân

    Triều Tiên có dấu hiệu tái sản xuất nguyên liệu cho vũ khí hạt nhân

    14:03, 07/06/2016

  • Bớt hung hăng, Kim Jong Un nói Bình Nhưỡng sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước

    Bớt hung hăng, Kim Jong Un nói Bình Nhưỡng sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước

    14:50, 14/05/2016

  • Liệu Triều Tiên có loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân?

    Liệu Triều Tiên có loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân?

    12:13, 13/06/2018

Điều đó cho thấy, việc Mỹ rút khỏi INF không chỉ nhằm vào Nga, mà cả Trung Quốc. Bởi vì, Trung Quốc không tham gia INF nên từ nhiều năm nay đã đầu tư mạnh mẽ vào các chương trình hạt nhân. Nếu Mỹ tiếp tục tuân thủ INF, thì sớm hay muộn Trung Quốc sẽ vượt mặt Mỹ về vũ khí hạt nhân.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), tính đến giữa năm nay, Bắc Kinh đã bổ sung thêm 10 đầu đạn hạt nhân, lên tổng số khoảng 280, đồng thời luôn gia tăng sản xuất các loại tên lửa tầm xa nhằm tự vệ và ngầm cảnh báo một số quốc gia khác.

Ngay sau tuyên bố của Trump, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo ngay rằng, nếu Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước INF, thì Moscow sẽ tiến hành các biện pháp trả đũa mạnh mẽ, thậm chí cả biện pháp quân sự. “Washington cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF dường như đang che đậy những vi phạm nghiêm trọng của mình”, ông Ryabkov nhấn mạnh.

Phản ứng về việc này, một số quốc gia đồng minh của Mỹ đã lên tiếng ủng hộ việc Mỹ rút khỏi INF, như Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tuyên bố Anh ủng hộ quyết định này của Mỹ, đồng thời chỉ trích Nga đã vi phạm Hiệp ước này và kêu gọi nước này xem xét lại mình.

Trong khi Đức lại phản đối quyết định của Mỹ. Theo đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Mass kêu gọi Mỹ hãy thận trọng khi quyết định rút khỏi INF, cũng như việc giải trừ vũ khí hạt nhân trong tương lai. “INF rất quan trọng với châu Âu. Chúng tôi đã từng kêu gọi Nga giải quyết những cáo buộc vi phạm Hiệp ước này, giờ kêu gọi Mỹ phải cân nhắc rút khỏi nó”, ông Heiko Mass nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cảnh báo việc Mỹ rút khỏi INF có thể sẽ dẫn tới cuộc khủng hoảng hạt nhân toàn cầu. Bởi vì, động thái này của Mỹ, cùng với việc quốc gia này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) có thể sẽ dẫn tới việc Mỹ sẽ đẩy mạnh phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân của mình, kéo theo các cường quốc hạt nhân khác, nhất là Nga, Trung Quốc... cũng chạy đua hạt nhân. 

Ông Malcolm Chalmers, Phó Giám đốc của Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) tỏ ra lo ngại, việc Mỹ rút khỏi INF sẽ dẫn tới cuộc cuộc khủng hoảng hạt nhân toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ những năm 1980. “Nếu INF bị hủy bỏ, cùng với Hiệp định cắt giảm vũ khí chiến lược (START) đã hết hiệu lực, thì thế giới lần đầu tiên kể từ 1972 không còn thỏa thuận ràng buộc nào về hạt nhân. Điều này sẽ rất nguy hiểm cho nhân loại”, ông Chalmers cảnh báo.

INF được ký kết năm 1987 nhằm cấm sử dụng các loại tên lửa hạt nhân có tầm phóng từ 500- 5.500 km. Theo đó, gần 2.700 tên lửa hạt nhân đã bị tiêu hủy và dẫn đến chấm dứt đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô. Trong những năm gần đây, Nga và Mỹ thường xuyên bất đồng và tranh cãi nhau về việc thực hiện Hiệp ước INF và cáo buộc nhau phá vỡ thỏa thuận này.

Ngọc Anh