Châu Âu đánh thuế sử dụng dữ liệu cá nhân

Cẩm Anh 03/11/2018 01:49

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond có một bước đi dũng cảm là đưa thuế dịch vụ số vào kế hoạch thu ngân sách.

Động thái này biến Anh trở thành quốc gia thứ hai, sau Tây Ban Nha đánh thuế các đại gia công nghệ.Sau Anh, Hàn Quốc, Ấn Độ và 7 nước khác ở Châu Á - Thái Bình Dương đang cân nhắc áp dụng cách đánh thuế mới nhằm vào các ông lớn công nghệ như Google, Facebook... Ngoài ra, Mexico, Chile, một số nước Châu Mỹ - Latin khác cũng đang xem xét các dạng thuế mới tương tự.

p/Những tập đoàn công nghệ lớn có thể phải chịu thuế tới 5% trên tổng doanh thu phát sinh ở các nước EU.

Những tập đoàn công nghệ lớn có thể phải chịu thuế tới 5% trên tổng doanh thu phát sinh ở các nước EU.

Những "nhân tài" lách thuế

Đối tượng của loại thuế này là các công ty vận hành những bộ máy tìm kiếm, mạng xã hội và nền tảng thương mại điện tử. Trong một số trường hợp, các loại thuế mới được đề xuất nhắm vào các dịch vụ thu thập dữ liệu về người dân để phục vụ hoạt động quảng cáo trực tuyến nhắm đến khách hàng mục tiêu.

Trong khi, các công ty quảng cáo khổng lồ của Mỹ sở hữu phương tiện truyền thông xã hội, cùng với Apple và Amazon, sử dụng một số phương thức kế toán sáng tạo để đảm bảo họ trả ít thuế nhất có thể ở các quốc gia nơi họ hoạt động. Facebook là ví dụ nổi bật ở Anh, với báo cáo tỷ suất lợi nhuận ở Anh dưới 5% trên doanh thu trong khi lợi nhuận trung bình toàn cầu của Facebook gần bằng 50% doanh thu.

Theo Stella Amiss, người đứng đầu chính sách thuế tại Công ty kiểm toán PwC, việc xác nhận thuế dịch vụ số được xem bước đệm tiến tới việc cân bằng sân chơi giữa các nhà bán lẻ trực tuyến và các cửa hàng. Tuy nhiên, việc xác định ai bị đánh thuế và ai không là chuyện không đơn giản.

Nếu dữ liệu là một loại dầu mỏ mới, thì dữ liệu cá nhân mà các công ty công nghệ lớn khai thác nên được coi là tài sản của công dân mà chính phủ có nghĩa vụ đánh thuế hành vi khai thác nó, vì lợi ích chung của người dân. Tương tự, về lâu dài, thuế nhằm vào việc khai thác và sàng lọc dữ liệu cá nhân sẽ phải tăng lên.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là các ông lớn công nghệ phải đóng thuế ở đâu? Mặc dù, theo các nguyên tắc thuế quốc tế, thu nhập của các doanh nghiệp bị đánh thuế tại nơi mà giá trị thu nhập được tạo ra. Đối với các công ty công nghệ, điều này không phải lúc nào cũng rõ ràng. Các dịch vụ bao gồm quảng cáo trực tuyến và đặt chỗ taxi ở một nước giờ đây thường được cung cấp bởi các công ty công nghệ từ một nước khác, nơi mà họ được chế độ ưu đãi thuế.

Bài học cho Việt Nam

Tại Việt Nam, Google và Facebook cũng đang chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến. Tuy nhiên, cả hai đại gia công nghệ này đều quên mất nghĩa vụ đóng thuế của mình tại Việt Nam.

Luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, một trong những nguyên tắc của pháp luật về quản lý thuế là đảm bảo sự công khai, minh bạch, bình đẳng. Do đó, bất kể doanh nghiệp lớn hay nhỏ, doanh nghiệp công nghệ hay không, trong nước hay nước ngoài, nếu là đối tượng áp dụng và thuộc phạm vi điều chỉnh, là người nộp thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam đều có nghĩa vụ về thuế.

Nếu các “ông lớn công nghệ” như Google, Facebook... có hoạt động kinh doanh và nguồn thu từ Việt Nam thì cơ quan có thẩm quyền vẫn có thể thu thuế nếu có cơ sở pháp lý phù hợp, ví dụ quy định về thuế nhà thầu,... LS Vũ cho rằng, nhiều năm qua việc thu thuế chỉ mới đặt ra nhiều chứ cũng chưa thật sự hiệu quả. Việc sửa đổi, bổ sung pháp luật về thuế để trống thất thu thuế là cần thiết, nhưng cũng phải phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. 

Cẩm Anh