Cựu Thủ tướng Anh lên tiếng phản đối Brexit
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair cho rằng vẫn còn thời gian để ngăn chặn "thảm họa" Brexit vì cuộc chia ly này sẽ gây tổn hại lớn đến nước Anh.
Ông Blair từ lâu đã phản đối Brexit và tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh Web 2018 vào ngày 7/11 rằng ông sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn việc này.
Ông Blair cho rằng, thỏa thuận của Thủ tướng Anh Theresa May sẽ dẫn đến thất bại tại Quốc hội và sau đó sẽ kích hoạt một cuộc tổng tuyển cử.
Có thể bạn quan tâm
Brexit và những tác động
06:00, 03/11/2018
Brexit phủ "bóng đen" lên FDI của Anh
04:18, 02/11/2018
Anh và EU nhất trí 90% thỏa thuận Brexit
16:30, 19/10/2018
Áp lực "đè nặng" lên Thủ tướng Anh khi hạn chót Brexit đến gần
04:30, 17/10/2018
"Mọi việc đang đi theo chiều hướng tệ nhất là rời Liên minh châu Âu (EU) mà không đạt được bất cứ thỏa thuận kinh tế nào. Việc không có thỏa thuận nào đạt được rõ ràng là một sự vô lý. Tôi nghĩ ít nhất chúng ta nên tìm kiếm cơ hội ở lại khối", ông Tony Blair nói.
Theo ông Tony Blair, người dân Anh không thực sự hiểu về Brexit. Tuy nhiên, họ có quyền thay đổi quyết định khi đã nắm rõ hơn về bản chất của tiến trình này. "Anh và các quốc gia châu Âu nên gắn bó với nhau để bảo tồn các giá trị, lợi ích và cùng chống lại sự gia tăng quyền lực của Trung Quốc, chứ không phải chia rẽ và tìm những lợi ích riêng biệt", ông Tony Blair nhấn mạnh.
Đây không phải lần đầu tiên cựu Thủ tướng Anh nhắc đến vấn đề này. Trước đó, ông đã bày tỏ mong muốn Thủ tướng Đức Angela Merkel can thiệp để giữ nước Anh ở lại EU.
Có thể thấy, ông Blair cũng như những người phản đối Brexit hoàn toàn có cơ sở khi mong muốn một cuộc trưng cầu dân ý lần hai về Brexit khi trên thực tế, Chính phủ Anh luôn ở trong tình cảnh khó khăn, tự mâu thuẫn trong các cuộc đàm phán.
Bất chấp lời kêu gọi của ông Tony Blair, Thủ tướng Anh Theresa nhấn mạnh, việc trưng cầu dân ý lần hai sẽ không được tiến hành và bà đã triệu tập nội các của mình để xem xét bản dự thảo thỏa thuận cuối cùng về Brexit, trước khi được ký kết.
Trong khi đó, các nguồn tin của Brussels đã tiết lộ một bước đột phá về các cuộc đàm phán Brexit là điều cần đẩy mạnh trong tuần này để Chủ tịch Hội đồng EU Donald Tusk có thể nhanh chóng triệu tập một Hội nghị Thượng đỉnh EU để xem xét các điều khoản cuối cùng về Brexit. Đây là điều bắt buộc để các nhà lãnh đạo EU có thể thông qua bất kỳ thỏa thuận Brexit nào trong tháng 11 này.
Sẽ không còn nghi ngờ rằng hiện áp lực đang đè nặng lên Thủ tướng Theresa May để có được một thỏa thuận với khối. Trước đó, thái độ của bà Theresa May đã thay đổi rõ rệt khi EU giữ vững quan điểm và lập trường theo chiều hướng ngày một cứng rắn. Điều này đã buộc Anh đồng ý trả cho EU “phí chia tay” để đạt được mục đích thông qua thỏa hiệp, Anh vẫn có thể duy trì mối quan hệ hợp tác có thuế quan bằng 0 với EU sau khi rời khỏi Liên minh hải quan EU.
Mặc dù vậy, Anh vẫn được cho là đang kéo dài thêm thời gian khi để Bắc Ireland ở lại trong Liên minh hải quan EU cho đến khi hai bên tìm được ra giải pháp chung về vấn đề đường biên giới. Đây được cho là một giải pháp dự phòng khi Anh không đưa ra thời hạn cụ thể. Do đó, Anh vẫn sẽ là thành viên của Liên minh hải quan EU và hoàn toàn tuân thủ những quy định về thị trường đơn lẻ EU.