ASEAN trong "bàn cờ" Mỹ - Trung

Việt Nga 14/11/2018 04:39

Với vị trí địa chính trị vô cùng quan trọng với cả Mỹ và Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á (ASEAN) phải đối mặt với nhiều thách thức, song cũng có không ít cơ hội.

Theo Nikkei, chiến tranh thương mại Mỹ -Trung Quốc là một biểu hiện rõ nét, bao trùm toàn bộ mối quan hệ chính trị, an ninh và kinh tế của thế giới. Và mối quan hệ giữa hai cường quốc khó có thể cải thiện một sớm một chiều, ngay cả khi Tổng thống đương nhiệm Donald Trump hết nhiệm kỳ. Nikkei nhận định, sẽ không dễ để Trung Quốc “lấy lòng” được cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, các cơ quan chính của nhà nước cũng như hầu hết các cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: số 7 có mang lại may mắn cho Trung Quốc?

    Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: số 7 có mang lại may mắn cho Trung Quốc?

    11:23, 11/11/2018

  • Chiến tranh thương mại có thể làm giảm mức tiêu thụ nội địa của Trung Quốc và châu Á

    Chiến tranh thương mại có thể làm giảm mức tiêu thụ nội địa của Trung Quốc và châu Á

    22:55, 10/11/2018

  • Ngành nào chịu tác động mạnh từ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung?

    Ngành nào chịu tác động mạnh từ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung?

    04:01, 09/11/2018

  • Đón cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung

    Đón cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ- Trung

    11:01, 08/11/2018

 Điều này có ý nghĩa gì đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), khi mà dù muốn hay không, tương lai của khu vực vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong các lĩnh vực an ninh và kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh?

Vị trí địa chính trị đặc biệt của ASEAN

Đông Nam Á nằm ở một vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc khi quốc gia này cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng xuống phía Nam. Trong khi đó, Mỹ luôn bảo lưu quan điểm khu vực hàng hải của Đông Nam Á phải được tự do.

Đông Nam Á có vị trí địa chính trị vô cùng đặc biệt với cả Mỹ và Trung Quốc

Đông Nam Á có vị trí địa chính trị vô cùng đặc biệt với cả Mỹ và Trung Quốc

Do đó, vấn đề cơ bản mà ASEAN phải đối mặt không chỉ là căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung, mà cả cuộc chạy đua tầm ảnh hưởng của hai quốc gia này ở Đông Á, Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Việc này sẽ phân chia ASEAN thành hai thái cực, một bên ủng hộ Mỹ và phía còn lại ủng hộ Trung Quốc.

Chiến lược của Mỹ đối với Đông Nam Á từ xưa đến nay vẫn xoay quanh hai yếu tố cốt lõi: “lợi ích” và “cạnh tranh”. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, hai yếu tố này ngày càng khó tách bạch do sự can dự mạnh mẽ của Trung Quốc. Không quá khi nói rằng chủ trương “trung lập”, đa phương hóa-đa dạng hóa các mối quan hệ của ASEAN đang bị thách thức. Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN cần sớm định hình chiến lược xoay sở giữa Mỹ và Trung Quốc, nhất là khi hai cường quốc này ngày càng leo thang xung đột lợi ích.

Khó tránh khỏi tổn thất

Với mối quan hệ hợp tác kinh tế chặt chẽ, ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đối với nền kinh tế ASEAN là điều khó có thể tránh khỏi. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Các nước mà Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa chủ yếu là Việt Nam, Singapore và Malaysia. Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa chủ yếu từ Malaysia, Việt Nam và Thái Lan.

Trong khi đó, Mỹ hiện là bạn hàng lớn thứ 4 của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 212 tỷ USD trong 2015, đồng thời cũng là nước đứng đầu về đầu tư trực tiếp vào ASEAN với tổng giá trị lên tới 274 tỷ USD. Ngoài ra, quan hệ hợp tác kinh tế hai bên cũng đã mang lại hơn 5 triệu việc làm tại Mỹ.

Các nước ASEAN được kết nối sâu sắc với chuỗi cung ứng khu vực, đóng vai trò là nhà cung cấp đầu vào cho các ngành công nghiệp lớn của Trung Quốc để tiếp tục chế biến và tái xuất sang các nước thứ ba, trong đó có Mỹ. Năm 2016, có 12,4% hàng xuất khẩu của ASEAN sang Trung Quốc trong khi 30,1% các sản phẩm đó là hàng hóa trung gian cho việc sản xuất hàng hóa sẽ được xuất khẩu ra khỏi nước này.

Và những cơ hội cho khu vực

Tuy nhiên, theo các phân tích, xung đột thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể sẽ mang đến những cơ hội cho nền kinh tế ASEAN. Cụ thể, trong trường hợp các sản phẩm của Apple được lắp ráp tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ xung đột thương mại, khu vực ASEAN có thể hưởng lợi vì nơi đây là cơ sở sản xuất chính của Tập đoàn điện tử Samsung - một đối thủ cạnh tranh lớn đối với Apple.

Đồng thời, để tránh đánh thuế từ đối phương, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tích cực mua nhiều hơn các mặt hàng từ các thị trường, trong đó có ASEAN. Ngoài ra, với lợi thế về vị trí địa lý cũng như những nét tương đồng về văn hóa, sẽ không ngoại trừ khả năng các nhà đầu tư của Trung Quốc di chuyển đầu tư sang các nền kinh tế ASEAN để tránh bị vướng vào cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Về ngắn hạn, một số nước ASEAN có thể nhận được lợi ích nhất định từ việc trở thành nước xuất khẩu hàng hóa thay thế trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nhưng trong dài hạn, chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng tới tổng lượng trao đổi thương mại giữa ASEAN và hai nước Trung - Mỹ, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển kinh tế của các nước thuộc khối này.

Do vậy, các nước ASEAN, nhất là những nước có mối quan hệ kinh tế gắn liền với Mỹ và Trung Quốc sẽ lưu ý nhiều hơn đến những giải pháp đối phó để vừa tránh được ảnh hưởng tiêu cực, vừa xây dựng được định hướng quan hệ hợp tác kinh tế thương mại song phương bền vững với Trung Quốc và Mỹ trong thời gian tới.

Việt Nga