Cơ hội mới cho châu Á - Thái Bình Dương

Trương Khắc Trà 18/11/2018 01:07

Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương do Mỹ khởi xướng, được coi là đối trọng với “Con đường và Vanh đai” của Trung Quốc, đồng thời mang tới nhiều cơ hội cho các quốc gia châu Á- Thái Bình Dương.

Australia vừa công bố gói đầu tư và cho vay ở Thái Bình Dương trị giá gần 2,2 tỷ USD. Đây là bước đi nằm trong Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ- Thái Bình Dương dựa trên 4 trụ cột: Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.

p/Thủ tướng Australia Morrison vừa cho biết quốc gia này sẽ dành cho các nước ở châu Á- Thái Bình Dương số vốn vay ưu đãi trị giá gần 2,2 tỷ USD để phát triển hạ tầng cơ sở.

Thủ tướng Australia Morrison vừa cho biết quốc gia này sẽ dành cho các nước ở châu Á- Thái Bình Dương số vốn vay ưu đãi trị giá gần 2,2 tỷ USD để phát triển hạ tầng cơ sở.

Có thể bạn quan tâm

  • Các nước Châu Á - Thái Bình Dương đầu tư 30 tỷ USD cho đô thị thông minh

    23:05, 28/08/2018

  • ADB: Châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng ổn định bất chấp chiến tranh thương mại

    04:30, 20/07/2018

  • Mở rộng "cánh cửa" hợp tác doanh nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương

    14:47, 23/04/2018

  • Mỹ xoay trục Châu Á - Thái Bình Dương

    06:30, 18/02/2018

Thách thức mới cho Trung Quốc

Gói tài trợ nói trên của Australia nhằm hỗ trợ các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, viện trợ trong khu vực. Trong đó, động thái mới nhất là hỗ trợ tàu tuần tra trên biển và hợp tác xây dựng căn cứ quân sự với Papua New Guinea.

Chính sách mới của Australia chỉ là một trong những hành động cụ thể hóa Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ, nhằm phá vỡ thế độc tôn của Bắc Kinh(!?).

Để “dọn đường” cho chiến lược này, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật “BILD”, thiết lập cơ chế tài chính hỗ trợ các dự án hạ tầng trong khu vực với hạn mức ban đầu 60 tỷ USD. Vì vậy, thời gian tới Mỹ và đồng minh còn tăng cường rót thêm vốn, tạo ra cuộc cạnh tranh quy mô lớn với Trung Quốc.

Trung Quốc đã cam kết rót 113 tỷ USD cho “Vành đai và Con đường”, trong khi Mỹ và Australia mới cam kết 62,2 tỷ USD cho Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ- Thái Bình Dương, còn Nhật và Ấn Độ chưa lên tiếng.

Nhiều năm nay, Bắc Kinh tích cực mở rộng tầm ảnh hưởng xuống phía Nam, băng qua Biển Đông, gây tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên với nhiều nước Đông Nam Á, đe dọa lợi ích của Mỹ và đồng minh. Chính sách này có thể được gọi với cái tên “Vành đai và Con đường trên biển”.

Bắc Kinh từ lâu đã “nhòm ngó” sự hấp dẫn ở các nước nhỏ trên Thái Bình Dương, trước đó ông Tập đã xúc tiến thành lập “Diễn đàn hợp tác và phát triển kinh tế giữa Trung Quốc và các đảo quốc Thái Bình Dương” với cam kết viện trợ hàng tỷ USD vào giáo dục, y tế, xây dựng.

Gần đây, Trung Quốc đổ tiền đầu tư vào hàng loạt dự án trong khu vực Thái Bình Dương. Các đoàn tàu đánh cá của nước này tiến sâu vào vùng biển gần Australia. Bắc Kinh còn được cho rằng đang xúc tiến xây dựng một căn cứ quân sự tại quần đảo Vanuatu.

Số liệu của Ủy ban Ngư nghiệp Tây và Trung Thái Bình Dương cho hay, số tàu cá Trung Quốc xuất hiện tại các vùng biển có trữ lượng cá ngừ đại dương lớn cũng tăng nhanh trong những năm qua, từ 244 tàu năm 2010 lên hơn 600 tàu.

Thực chất quá trình trên là “giải phóng mặt bằng” để thực hiện chính sách bao trùm “Một Trung Quốc”. Không có gì ngạc nhiên vì đích hướng đến là các nước nhỏ, tiềm lực yếu và vốn là những địa bàn mà Mỹ dường như đã bỏ quên!

Cơ hội mở rộng đa phương hóa

Với Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương, phương Tây sẽ mang đến nhiều cơ hội cho các nước châu Á- Thái Bình Dương về tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời, đa phương hóa ở khu vực này còn giúp các mâu thuẫn về lãnh thổ, tài nguyên có cơ hội được giải quyết theo luật pháp quốc tế. Đây là giải pháp tốt nhất đối với các nước yếu tiềm lực quân sự. Bởi vậy, Việt Nam cần tranh thủ hợp tác đa phương để giải quyết các vấn đề Biển Đông và phát triển kinh tế biển.

Về trọng tâm và sáng kiến cụ thể, Mỹ ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế số, năng lượng, hạ tầng trong các khuôn khổ ASEAN, ASEAN Connect, APEC, Sáng kiến Tiểu vùng Mekong, Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương.

Với cam kết không có phụ thuộc, gói tín dụng khổng lồ 60 tỷ USD ban đâu của Mỹ có thể được coi là “ODA kiểu mới”. Vì vậy, Việt Nam cần cải cách thể chế, ưu tiên phát triển hạ tầng, năng lượng, kinh tế số để đón đầu nguồn vốn từ Mỹ và các đồng minh để giảm phụ thuộc vào ODA Trung Quốc.

Châu Á- Thái Bình Dương, đặc biệt là Biển Đông, đang trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược của các siêu cường. Trung Quốc không còn “dấu mình chờ thời”, Mỹ đã thực hiện “xoay trục châu Á”, vài cường quốc tầm trung trong khu vực nhận thấy bị đe dọa lợi ích, các nước nhỏ bối rối tìm cách cân bằng quan hệ ngoại giao tránh thiệt hại.

Châu Á - Thái Bình Dương được xác định là trung tâm của thế giới trong thế kỷ XXI, nhiều nền kinh tế giàu tiềm lực có thể bứt phá. Nhưng khu vực này chỉ thịnh vượng khi có môi trường hòa bình ổn định, hạn chế phụ thuộc vào nước lớn.

Khu vực này cần đối trọng để cân bằng sức mạnh chiến lược, đảm bảo ổn định lâu dài. Rõ ràng, Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương là giải pháp tốt để hạn chế mặt ảnh hưởng tiêu cực từ Trung Quốc, ít nhất không để nước này độc quyền cho vay và đầu tư ở các nước nhỏ, tránh tạo ra các “bẫy nợ” như ở Sri Lanka, các quốc gia châu Phi...

Trương Khắc Trà