Đón đầu cơ hội từ Brexit
Mặc dù quá trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) có thể sẽ còn kéo dài, nhưng ngay thời điểm này, các đối tác có thể đàm phán, định hình lại quan hệ với riêng EU và Anh.
Quốc hội Anh dự kiến sẽ biểu quyết phê chuẩn dự thảo thỏa thuận Brexit vào ngày 11/12 tới. Sau đó, dự thảo này sẽ được đưa ra phê chuẩn ở Nghị viện châu Âu và cuối cùng ở Hội đồng EU. Nếu các bước nói trên được thực hiện suôn sẻ, thì nước Anh sẽ chính thức rời khỏi EU từ ngày 29/03/2019.
Dứt tình, chưa dứt áo
Lộ trình Brexit là như vậy, nhưng diễn biến có được như vậy hay không lại là chuyện khác. Ở phía EU, việc phê chuẩn dự thảo thỏa thuận Brexit xem ra không gặp khó khăn và trắc trở gì. Nhưng ở phía Anh, việc phê chuẩn dự thảo này tại Quốc hội Anh được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng Anh Theresa May coi thoả thuận đó là "tốt nhất mà Anh có thể đạt được" nhưng không phải tất cả các Nghị sỹ Quốc hội có quan điểm như vậy.
Có thể bạn quan tâm
[Infographics] Những dấu mốc quan trọng của Brexit
11:01, 29/11/2018
Anh có thể đơn phương đảo ngược Brexit?
04:27, 28/11/2018
Brexit sẽ đi theo kịch bản nào?
04:30, 27/11/2018
EU chính thức thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit
18:00, 25/11/2018
"Số phận" dự thảo thỏa thuận Brexit sẽ ra sao?
17:07, 21/11/2018
Đến nay đã có 4 cộng sự thân cận trong chính phủ của bà May từ chức vì không nhất trí với dự thảo thỏa thuận Brexit. Trong khi đó, các đảng đối lập cùng đảng Dân chủ Liên hiệp Bắc Ireland (DUP) đều khẳng định sẽ phản đối thỏa thuận này. Thậm chí trong đảng Bảo thủ cầm quyền đang có cuộc vận động lật đổ quyền lực của bà May để thành lập chính phủ mới với thủ tướng mới đàm phán lại với EU về Brexit. Nếu phía Anh không phê chuẩn dự thảo thoả thuận Brexit, thì phía EU cũng không thể phê chuẩn. Điều đó sẽ dẫn tới Brexit sẽ bị trì hoãn và nước Anh chưa thể chính thức rời EU từ thời hạn nói trên.
Các đối tác có thể tiếp tục hợp tác như hiện nay với EU và Anh cho tới khi nước Anh chính thức rời khỏi EU; đồng thời chuẩn bị cho việc định hình lại mối quan hệ hợp tác này với riêng EU hay Anh.
Tuy nhiên, nếu dự thảo thoả thuận này được Quốc hội Anh phê chuẩn, dù bà May vẫn còn tại vị hay không, thì nước Anh trên danh nghĩa rời EU, nhưng trên thực tế mới chỉ dứt tình chứ chưa dứt áo ra đi. Bởi vì, vấn đề thông thương ở khu vực biên giới giữa Ireland (thành viên EU) và Bắc Ireland do Anh quản lý, mà EU và chính phủ của bà May đã thoả thuận được thực hiện trong thời kỳ quá độ, trước mắt cho tới năm 2022 và có thể được gia hạn thêm. Trong thời kỳ quá độ này, nước Anh vẫn tham gia thị trường chung và Liên minh thuế quan của EU. Mục đích của thoả thuận này là để cho giao thương ở khu vực biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland vẫn như trước Brexit. Ngoài ra, EU và chính phủ Anh tiếp tục thương thảo về giải pháp dứt điểm cho vấn đề nói trên và chỉ khi nào đạt được thoả thuận này thì nước Anh mới ra khỏi EU.
Chuẩn bị thích ứng bối cảnh mới
Điều đáng chú ý ở đây là EU quy định rằng chừng nào nước Anh còn tham gia thị trường chung và Liên minh thuế quan của EU thì chừng đó nước Anh không được tự ký thoả thuận về mậu dịch tự do và thuế quan với bất kỳ đối tác thứ ba nào khác. Từ giác độ của EU, quy định này không có gì là khó hiểu vì chỉ như vậy EU mới ngăn cản được tình trạng đối tác kinh tế và thương mại của Anh có thể tiếp cận "qua cửa sau" thị trường chung và Liên minh thuế quan của EU. Tuy nhiên dưới góc độ của nước Anh, thì quy định này ngăn cản Anh tìm kếm đối tác kinh tế và thương mại mới thay thế EU trong thời gian quá độ. Đó cũng chính là lý do mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công khai phê phán dự thảo thoả thuận Brexit, vì thỏa thuận này bất lợi nhiều hơn là có lợi cho phía Anh. Chính phủ Anh đã phải vội vã trấn an ông Trump bằng biện luận rằng, quy định nói trên chỉ cấm ký kết, chứ không cấm đàm phán nên Mỹ và Anh có thể tiến hành đàm phán ngay về thoả thuận hợp tác thương mại song phương.
Như vậy, cứ cho rằng, việc phê chuẩn tại Quốc hội Anh và Nghị viên châu Âu sẽ suôn sẻ, thì chưa biết đến khi nào Anh mới dứt tình, dứt áo với EU.
Tuy nhiên, tất cả các đối tác của EU và Anh vẫn có thể tiếp tục các mối quan hệ hợp tác như hiện nay cho tới khi nước Anh chính thức rời khỏi EU; đồng thời chuẩn bị cho việc định hình lại mối quan hệ hợp tác này với riêng EU hay Anh. Việc điều chỉnh chính sách có thể nhanh chóng nhưng việc triển khai cụ thể, đặc biệt là việc thích ứng quan hệ hợp tác trong bối cảnh tình hình mới luôn là quá trình dài, phức tạp, chứ không hề đơn giản.