Biển Đông cần gì để “lặng sóng”?
Hơn 100 chuyên gia trong nước và quốc tế đã đến Hà Nội để tìm kiếm giải pháp tối ưu cho hợp tác hòa bình trên Biển Đông. Nhưng, có gì đảm bảo hơn một bộ quy tắc ứng xử được các bên nhất trí?
Là một phần của Thái Bình Dương trải rộng từ Singapore tới eo biển Đài Loan và bao phủ một diện tích khoảng 3.447.000 km2. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú khởi thảo từ năm 1809 ghi rằng “Xét trong sách vở đã ghi chép, đất nước ta phía đông đến biển, phía tây giáp Vân Nam”.
Thời nhà Nguyễn, người Việt vẫn gọi Biển Đông là “bể Nam” bể ở đây có nghĩa là biển, tức là biển của nước Nam, “nước Nam” đã xuất hiện trong bài thơ “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt trong sự kiện chống quân xâm lược nhà Tống (1077). Có câu: “sông núi nước Nam vua Nam ở”.
Trong tác phẩm “Đại Nam quốc sử diễn ca” được cho sáng tác vào thời vua Tự Đức, có đoạn nói về An Dương Vương mất nước Âu Lạc vào tay Triệu Đà: “bể Nam đến bước cùng đàng (/đường), Văn tê theo ngọn suối vàng cho xuôi…
Cứ liệu lịch sử chắc chắn còn rất nhiều ở đâu đó trong nhiều di sản tiền bối để lại. Nhưng như vậy đã đủ thấy rằng, vùng biển phía Đông của nước ta hay còn gọi là Biển Đông chính là cách đặt tên của người Việt từ xa xưa.
Từ khoảng 4 thập kỷ nay, Biển Đông bắt đầu dậy sóng bởi các quyền xác định lãnh thổ không rõ ràng của một vài cường quốc có sức mạnh quân sự, kinh tế, “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” ôm trọn vùng biển này là một trong những điều ngang trái.
Có thể bạn quan tâm
Cạnh tranh Mỹ- Trung tại Biển Đông không có lợi cho ổn định khu vực
14:22, 09/11/2018
Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 thảo luận những gì?
15:06, 08/11/2018
Đi tìm các sáng kiến duy trì an ninh, thúc đẩy hợp tác tại biển Đông
14:25, 08/11/2018
Một quy tắc ứng xử trên Biển Đông đã được thỏa thuận cơ bản giữa Trung Quốc và các nước ASEAN vào năm 2011, gọi tắt là COC được xem là thành tựu quan trọng để ngăn chặn mâu thuẫn bùng phát.
Ngày 2/5/2014 giàn khoan Hải Dương 981 được kéo vào sát đảo Tri Tôn của Việt Nam, khiến căng thẳng trên Biển Đông leo lên mức cao nhất sau nhiều năm.
Trước sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, một loạt các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Ấn Độ đã lên án các hành động bất chấp luật pháp quốc tế, gây mất ổn định và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực của Bắc Kinh.
Đúng 75 ngày sau, giàn khoan Hải Dương 981 rời khỏi vùng biển thuộc chủ quyền nước ta. Nhưng, nhiều hoạt động bồi đắp, san lấp các đảo nhân tạo trong khu vực này liên tiếp diễn ra.
Vì sao các yêu cầu (phi lý) về chủ quyền của Trung Quốc được đẩy mạnh trong những năm gần đây? Nguyên nhân chính là do lợi ích trên Biển Đông ngày càng cho thấy sự hấp dẫn.
Biển Đông là con đường Nam tiến của Bắc Kinh để thực hiện mục tiêu “Một Trung Quốc”, “Vành đai và Con đường” trên biển xem ra dễ xoay xở hơn khi hướng về Tây á qua Nga vào Châu âu.
Chính xác gần 20 năm kể từ khi COC lần đầu được đặt tên, Trung Quốc vẫn cố tình “câu giờ”, thực hiện COC như thế nào vẫn còn chưa cụ thể. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng tuyên bố: “các đàm phán đáng kể về nội dung của bộ quy tắc sẽ chỉ có thể bắt đầu nếu không có sự phá hoại lớn từ các bên bên ngoài”.
Phải chăng là sự ám chỉ Washington và các đồng minh bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến vùng biển này?
Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 kết thúc chưa lâu tại Đà Nẵng; Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy hợp tác an ninh ở Biển Đông” vừa khai mạc ngày 4/12 tại Hà Nội, và rất nhiều hội nghị lớn nhỏ khác tìm phương án giải quyết rắc rối Biển Đông.
Nhưng, mọi sự - dường như vẫn phụ thuộc vào thái độ của Bắc Kinh về COC, song phương hay đa phương về tình hình Biển Đông nhất thiết không chỉ và không phải là ý muốn của một bên nào đó có đủ sức mạnh.
Sự thật cũng đáng lo ngại, ông Tập vừa có chuyến thăm chính thức đến Philippines sau 13 năm từ khi ông Hồ Cẩm Đào làm điều tương tự. Manila - từ nguyên đơn kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài quốc tế về tranh chấp lãnh thổ bỗng dưng “yên ắng” lạ thường!
Học giả Richard Javad Heydarian, Đại học De La Salle, Philippines, nói với báo chí Việt Nam hôm 4/12 tại Hà Nội: “Chúng ta có chứng cứ để thấy khi cứng rắn với Trung Quốc, nước này sẽ cư xử tốt hơn. Còn nếu chúng ta mềm mỏng, như chính quyền Tổng thống Philippines Duterte hiện nay, thì họ sẽ chỉ đòi hỏi thêm”.
Biển Đông không thể “yên lặng” nếu chỉ có “thỏa thuận miệng”, COC hay bất cứ quy tắc nào có tính pháp lý quốc tế là sách lược tối thượng với các nước nhỏ. Cộng đồng ASEAN có chung tiếng nói hay không - cũng là điều kiện tiên quyết.
Bắc Kinh đang rất quan tâm đến Manila mong thắt chặt mối quan hệ và rất có thể nhiều nước khác còn được long trọng đón ông Tập đến thăm chính thức!