Trung Quốc "nóng mặt" vì Mỹ xuống đòn với Huawei!

Cẩm Anh 08/12/2018 06:00

Tưởng chừng mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ tạm ổn sau khi đạt được thỏa thuận về thương chiến. Nhưng một vụ bắt giữ ở Canada có thể khiến tình hình trở nên bất ổn trở lại.

Mỹ đang tiến hành dẫn độ bà Wanzhou Meng, Giám đốc tài chính của Huawei, sau khi thuyết phục Canada bắt giữ bà ngày 1/12. Canada xác nhận tin này sau khi Globe and Mail phát đi thông báo bà Meng đã bị bắt giữ liên quan đến vi phạm các biện pháp trừng phạt chống lại Iran.

Trung Quốc đã phản ứng nhanh chóng với sự phẫn nộ sau khi tin này được loan ra, đòi hỏi các bên liên quan phải trả tự do cho bà Meng. Sau đó, Bộ Ngoại giao cho biết họ đang chờ đợi chi tiết về lý do tại sao bà bị bắt, và nói rằng các cuộc đàm phán thương mại nên tiếp tục.

Nếu xét trong bối cảnh nhạy cảm này, vụ bắt giữ là "gáo nước lạnh" dội vào nỗ lực hâm nóng quan hệ ngoại giao, thương mại Trung - Mỹ. Bà Meng là ái nữ của người sáng lập Huawei, một công ty dẫn đầu trong nỗ lực của Bắc Kinh để giúp Trung Quốc tự cung tự cấp trong các công nghệ chiến lược.

Trong khi Mỹ thường xuyên yêu cầu các đồng minh dẫn độ các trùm ma túy, các nhà môi giới vũ khí và các tội phạm khác, nhưng bắt giữ một nhà điều hành một doanh nghiệp lớn của Trung Quốc như thế này là rất hiếm, nếu không muốn nói là chưa từng có tiền lệ.

Vụ bắt giữ nữ lãnh đạo Huawei có thể khiến tình hình mất kiểm soát?

Vụ bắt giữ nữ lãnh đạo Huawei có thể khiến tình hình mất kiểm soát?

Các nhà phân tích cho biết nhiều khả năng vụ việc được tiến hành tách biệt với các cuộc đàm phán thương mại như một phần trong nỗ lực của Trump nhằm đẩy mạnh các cuộc truy tố chống lại các công ty Trung Quốc tiến hành hoạt động gián điệp kinh tế và vi phạm các biện pháp trừng phạt. 

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ kêu gọi đồng minh tẩy chay Huawei

    Mỹ kêu gọi đồng minh tẩy chay Huawei

    07:40, 23/11/2018

  • Thêm một quốc gia quay lưng với Huawei và ZTE

    Thêm một quốc gia quay lưng với Huawei và ZTE

    06:41, 18/11/2018

  • Vodafone và Huawei: “Bắt tay” tới đích 5G

    Vodafone và Huawei: “Bắt tay” tới đích 5G

    16:32, 28/07/2016

Trước đó, Mỹ cho biết Bỉ đã dẫn độ một quan chức tình báo Trung Quốc bị cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại từ các công ty Mỹ - chưa từng có vụ việc tương tự nào từng xảy ra.

Dù bằng cách nào, Trung Quốc gần như chắc chắn xem sự bắt giữ bà Meng như là một sự leo thang lớn trong cuộc chiến thương mại, làm dấy lên lo ngại về một cuộc "chiến tranh lạnh" lớn hơn giữa các nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Là một phần của các cuộc đàm phán thương mại, Tổng thống Trump đã yêu cầu Trung Quốc ngừng cung cấp hỗ trợ của chính phủ cho các lĩnh vực chiến lược bao gồm trí tuệ nhân tạo và robot như là một phần của chính sách “Made in China 2025”.

Việc này sẽ làm phức tạp các cuộc đàm phán và họ có thể tin rằng điều này được thực hiện để tăng áp lực trong giai đoạn 90 ngày. Theo Dennis Wilder, nhà phân tích về Trung Quốc của CIA và giám đốc cấp cao khu vực châu Á tại Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush cho biết, "Họ đang cố gắng để ngăn chặn các gián điệp Trung Quốc và làm rõ rằng có những hậu quả thực sự tác động xấu đến Mỹ".

Có lẽ không có công ty nào cảm nhận mối đe dọa thương mại rõ ràng hơn Huawei. Tập đoàn này đã vượt qua Apple về điện thoại thông minh và hướng đến vượt qua Samsung Electronics trong khi nhắm mục tiêu doanh thu kỷ lục 102,2 tỷ USD trong năm nay. Huawei còn dẫn đầu công nghệ mạng không dây thế hệ thứ năm và chuẩn bị thực hiện đối đầu những nhà sản xuất chip lớn nhất nước Mỹ.

Đó cũng chính là lý do tại sao chính quyền Trump ngăn chặn một vụ sáp nhập của Qualcomm khi cho rằng sự việc sẽ "tạo điều kiện" để Trung Quốc dẫn đầu xu hướng 5G. Huawei đã bị cấm bán thiết bị của mình tại Australia và New Zealand, bị đóng băng hợp đồng của Hàn Quốc và phải đối mặt với sự cạnh tranh của Mỹ ngay cả ở Papua New Guinea.

Hành động mới nhất của Hoa Kỳ đối với Huawei có thể còn quan trọng hơn. Mặc dù doanh nghiệp này đã có những tiến bộ trong việc phát triển vi mạch riêng của mình, nó vẫn phụ thuộc vào thiết bị của Mỹ cho thiết bị mạng và điện thoại thông minh của mình. ZTE - một công ty công nghệ khác của Trung Quốc, gần như sụp đổ do hình phạt của Hoa Kỳ vì vi phạm lệnh trừng phạt Iran.

Trường hợp của ZTE cho thấy các nhà lãnh đạo của Trung Quốc cần phải độc lập khỏi Mỹ trong các công nghệ quan trọng như chất bán dẫn và cơ sở hạ tầng mạng.

Giới chuyên gia đánh giá, điều làm cho Huawei trở nên quan trọng là nó là một công ty hàng đầu trong việc phát triển các công nghệ sẽ làm cho Trung Quốc ít phụ thuộc vào các nhà cung cấp Mỹ hoặc châu Âu. Nhắm mục tiêu vào Huawei thông qua việc tìm kiếm dẫn độ một nhà điều hành hàng đầu là một động thái lớn của Washington.

Đối với một số nhà phân tích ở Trung Quốc, nó cho thấy rằng bộ máy an ninh quốc gia của Mỹ không quan tâm đến việc đạt được một thỏa thuận, bất kể Tổng thống Trump nghĩ gì.

Cẩm Anh