Chính phủ Anh trì hoãn bỏ phiếu Brexit: Bà May toan tính điều gì?

Cẩm Anh 11/12/2018 11:30

Các báo cáo về cuộc bỏ phiếu Brexit sắp tới tại quốc hội Anh bị Thủ tướng Theresa May trì hoãn đã khiến cho đồng bảng Anh chao đảo.

Thủ tướng Anh Theresa May rời khỏi Văn phòng Thủ tướng trước thềm cuộc bỏ phiếu Brexit tại Hạ viện

Thủ tướng Anh Theresa May rời khỏi văn phòng trước thềm cuộc bỏ phiếu Brexit tại Hạ viện

Tỷ giá hối đoái GPB/USD tụt giảm chưa từng thấy kể từ tháng 6/2017, và tiếp tục mất giá so với đồng Euro, giao dịch ở mức 90,18 pence, giảm 0,7% sau một số báo cáo trên phương tiện truyền thông rằng bà May đã tập hợp các trợ lý cao cấp tại một cuộc họp vào sáng thứ Hai tại Văn phòng Thủ tướng để thảo luận về việc bỏ phiếu.

Biên tập viên chính trị của tờ báo The Sun cho biết trên Twitter rằng cuộc họp sẽ quyết định số phận của cuộc bỏ phiếu. Khẳng định này được củng cố bởi một ký giả của BBC, người cho biết bà nghe ngóng được rằng cuộc bỏ phiếu có thể sẽ không xảy ra vào thứ ba.

Có thể bạn quan tâm

  • Bỏ phiếu Brexit: Kịch bản nào sẽ xảy ra?

    07:36, 10/12/2018

  • Giá vàng tuần tới: Thêm lực đẩy từ bất ổn Brexit?

    07:45, 09/12/2018

  • Đón đầu cơ hội từ Brexit

    11:13, 01/12/2018

  • [Infographics] Những dấu mốc quan trọng của Brexit

    11:01, 29/11/2018

Tuy nhiên, một nhân viên truyền thông của Văn phòng Thủ tướng cho biết cuộc bỏ phiếu vẫn sẽ diễn ra vào tối thứ ba. Người phát ngôn đã đưa ra một thông báo ngắn cách đây không lâu rằng cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào thứ Ba theo giờ địa phương đúng với kế hoạch và sẽ không có gì khác được thay đổi trong giai đoạn này.

Các thành viên của Đảng Lao động đối lập chính của Anh cho biết, bà May sẽ cung cấp tài liệu cập nhật về Brexit cho Hạ viện vào chiều thứ Hai lúc 3:30 chiều theo giờ Luân Đôn. Tài khoản Twitter chính thức của nhà lãnh đạo Hạ viện, Andrea Leadsom, đã xác nhận rằng sẽ có ba tuyên bố của chính phủ tại Hạ viện trong hôm nay, bao gồm một thông báo từ bà May.

Bất kỳ sự chậm trễ nào sẽ được coi là một nỗ lực của chính phủ để trở lại bàn đàm phán với Liên minh châu Âu và tìm kiếm các điều khoản có thể chấp nhận hơn đối với các nhà lập pháp Anh.

Việc không thể được thông qua sẽ được coi là một thất bại của chính phủ Anh trong việc thuyết phục đủ các nhà lập pháp rằng dự thảo thỏa thuận Brexit với Brussels là sự sắp xếp tốt nhất có thể.

Lãnh đạo đảng Lao động đối lập chính, Jeremy Corbyn, đã tuyên bố rằng việc trì hoãn bỏ phiếu sẽ cho thấy một nước Anh không có chính phủ hoạt động. Trong động thái tương tự, người đứng đầu đảng lớn thứ ba của Anh, Đảng Quốc gia Scotland, đã lên Twitter để cáo buộc bà May về sự hèn nhát của bà sẽ dẫn đến một kết quả thảm hại nếu bà thực hiện bất kỳ sự trì hoãn nào.

Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện được gọi là "cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa" và cho phép các nhà lập pháp đưa ra tiếng nói về các điều khoản của Brexit mà EU và chính phủ Anh đã đồng ý trước đó.

Động thái của bà May nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của quốc hội bao gồm một "Thỏa thuận rút lui", đưa ra các điều khoản ly hôn và tài liệu "Mối quan hệ tương lai", dự thảo cách thức Vương quốc Anh sẽ tương tác với EU trong tương lai.

Bà May đã tuyên bố đó là thỏa thuận tốt nhất mà bà có thể có được để làm hài lòng một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc, một quốc gia mà vào tháng 6/2016 đã có cuộc trưng cầu dân ý với 52% số phiếu đồng ý rời khỏi EU và 48% ủng hộ ở lại EU.

Nhưng các nghị sĩ từ mọi phía đã công khai từ chối ủng hộ thỏa thuận này. Thỏa thuận của bà với châu Âu được một số người coi là bán tháo những lý tưởng của Brexit, làm giảm ảnh hưởng của Anh trong khi vẫn phải tuân thủ nhiều quy định của EU.

Nhiều người phản đối Brexit cũng không thích thỏa thuận này. Họ cho rằng điều đó sẽ làm giảm sự trao đổi thương mại của Anh với thế giới, giảm sức hút nhân tài toàn cầu và tăng chi phí sinh hoạt.

Cẩm Anh