Thế giới đã chuẩn bị gì cho năm 2019?
Năm 2019 sẽ là năm những rạn nứt gia tăng khi 2018 qua đi với việc trật tự thế giới cũ thay đổi với chiều hướng tiêu cực mà các quốc gia không thể giải quyết ngay lập tức.
Để đoán biết được một phần tương lai năm 2019, hãy nhìn vào châu Âu và Mỹ trong năm 2018. Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, người ta cho rằng châu Âu sẽ duy trì trật tự quốc tế.
Nhưng châu lục này phải đối mặt với đủ các mối đe dọa của riêng mình trên nhiều mặt trận: Nga ở phía Đông, Thổ Nhĩ Kỳ ở phía nam, Mỹ ở phía tây. Tuy nhiên, vấn đề nội bộ của châu Âu làm suy yếu họ nhiều nhất.
Có thể bạn quan tâm
Châu Âu tìm cách giảm lệ thuộc USD
03:17, 15/12/2018
"Khủng hoảng Paris" và sự tới hạn của Châu âu
06:00, 11/12/2018
Chính phủ Mỹ đóng cửa: Vì tiền hay cuộc đấu đá chính trị?
11:00, 25/12/2018
"Ngòi nổ" mới trong xung đột Mỹ - Trung
05:01, 23/12/2018
Châu Âu bỗng chốc trở nên lung lay khi nội bộ các nước trụ cột của EU cũng đang rơi vào hỗn loạn. Tại Pháp, uy tín của Tổng thống Macron giảm mạnh khi ông rơi vào vòng xoáy cuộc bạo động trong nước. Tại Đức, bà Merkel đã có người kế thừa vị trí lãnh đạo đảng và có thể là cả chức vụ Thủ tướng. Và tại Anh, cách xử lý Brexit của bà May có thể buộc bà phải từ bỏ tham vọng chính trị trong nhiệm kỳ kế tiếp để giữ chức vụ của mình.
HIện nay, thứ tồn tại trong một EU là sự bất mãn, và điều này sẽ còn tiếp tục gia tăng trong năm 2019 khi các chính phủ ở đây chưa có biện pháp nào hữu hiệu. Bên cạnh đó, những khác biệt chính trị cũng là một nguyên nhân gây chia rẽ khi mỗi một nước đều đang cố gắng duy trì một châu Âu theo ý mình.
Giải pháp hợp lý cho sự chia rẽ có lẽ là Mỹ. Nhưng ý tưởng Tổng thống Trump có mong muốn, khả năng hoặc sự tín nhiệm để đứng ra hàn gắn sự chia rẽ hay bất kỳ xung đột toàn cầu nào là không thể.
Có thể thấy trên thực tế, Mỹ đang quay lưng lại với đồng minh châu Âu. Thay vì tìm cách thắt chặt liên minh như những người tiền nhiệm, đương kim tổng thống Mỹ lại tấn công các đồng minh từ NATO đến EU.
Tổng thống Donald Trump đã thể hiện rõ trong năm 2018 rằng ông không quan tâm nhiều đến châu Âu. Ông làm suy yếu Thủ tướng Anh Theresa May, chỉ trích Thủ tướng Đức Angela Merkel, và tỏ ra chống đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Nói tóm lại, ông đang xa lánh các đồng minh truyền thống của nước Mỹ.
Tổng thống Trump đang biến năm 2019 từ một năm nguy hiểm tiềm tàng thành một năm hết sức nguy hiểm, và điều này không chỉ xảy đến với châu Âu. Năm 2018 cho thấy cho thấy chính sách đối ngoại Tổng thống Trump luôn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Ông làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, nhân nhượng Thái tử Ả rập Xê út Mohammed bin Salman về vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi và làm thân với Tổng thống Vladimir Putin trong khi trừng phạt Nga.
Các vụ việc vụ vặt đã được giải quyết xong, nhưng chuyện đại sự như chiến tranh thương mại, căng thẳng Mỹ - Nga vẫn là những "ngòi nổ" có thể được kích hoạt bất cứ lúc nào trong năm 2019.
Nhưng khi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Trump đã tiếp tục đẩy mạnh sự bốc đồng của chính mình. Bằng cách rút lực lượng Hoa Kỳ ở Syria và cắt giảm quân đội Mỹ tại Afghanistan xuống một nửa. Tổng thống Trump đã bộc lộ hiểu biết hạn hẹp của mình về việc duy trì lợi ích và tầm ảnh hưởng của người Mỹ trên toàn cầu (!?).
Vì vậy năm 2019 hứa hẹn cục diện ở Trung Đông bớt tiếng súng, nhưng có thể làm nảy sinh một cuộc chiến mới mang tên dầu lửa, khi OPEC đang chất chứa mâu thuẫn.
Không loại trừ khả năng, Washington bắt đầu buông bỏ Trung Đông để dồn lực vào địa bàn mới là Châu á - Thái Bình Dương trong cuộc cạnh tranh chiến lược hao tiền tốn của với Trung Quốc.
Với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, triển vọng kinh tế sẽ không còn là màu hồng đối với hầu hết các nước trong năm 2019 khi các quốc gia trụ cột của châu Á đang dần giảm tốc.
Sự phục hồi thương mại thế giới hiện đang bị đe dọa bởi căng thẳng Mỹ- Trung, cùng với việc tăng cường bảo hộ ở nhiều nước nền kinh tế có khả năng đẩy các nước trong khu vực này vào vòng xoáy suy thoái kinh tế toàn cầu do chuỗi giá trị toàn cầu bị ảnh hưởng.
Nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chủ yếu dựa vào xuất khẩu, điều này rất không vui khi nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Đồng thời, khu vực này đã và đang mất tổng cộng 2,7 triệu việc làm do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Mặc dù vậy, với việc các nước Châu Á Thái Bình Dương đang tham gia vào nhiều thỏa thuận thương mại khác nhau ở cả cấp độ song phương và đa phương có thể sẽ bù đắp nhiều thiệt hại kinh tế do căng thẳng thương mại gây ra trong năm 2019. Đồng thời, tạo động lực mới cho các nền kinh tế Châu Á Thái Bình Dương, làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại nội địa với các nền kinh tế khác ngoài khu vực.
Thế giới ngày nay cần sự liên kết và phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử, và khó có thể giải quyết những chia rẽ đang chờ đợi vào năm tới. Bất ổn đã trở thành tình hình chung và thử thách sức mạnh của các nhà lãnh đạo.
Trong bối cảnh vắng bóng ảnh hưởng tích cực của Mỹ đối với các vấn đề toàn cầu, phong cách chính trị dân túy của Trump và châu Âu sẽ khiến thế giới khao khát sự chắc chắn và ổn định như trước đây.