Xu hướng giá dầu năm 2019
Nếu trong năm 2019, kinh tế thế giới suy giảm mạnh do tác động của kinh tế Mỹ và châu Âu, thì giá dầu thô khó bứt phá mạnh mẽ.
Biến động giá dầu mỏ thế giới là một trong những hiện tượng nổi bật nhất trong năm 2018. Vào đầu tháng 10/2018, giá dầu thô Brent đã tăng lên tới gần 90USD/thùng, nhưng từ đó lại giảm xuống còn 50 USD/thùng vào thời điểm hiện tại.
Có thể bạn quan tâm
Giá dầu sụt giảm và vấn đề sống còn với OPEC
11:00, 21/12/2018
Áp lực giá dầu thế giới
21:07, 07/12/2018
Cổ phiếu nào sẽ hưởng lợi khi giá dầu giảm mạnh?
11:02, 02/12/2018
“Ẩn số” giá dầu trong dài hạn
03:30, 11/11/2018
Rủi ro tăng giá dầu thế giới
14:00, 05/10/2018
Cuộc chiến giá dầu tiếp tục "leo thang"
04:35, 04/10/2018
Vượt ngưỡng 85USD/thùng, giá dầu lập kỷ lục mới
11:01, 02/10/2018
Con ngựa bất kham
Trong năm 2019, giá dầu mỏ chắc chắn không ổn định thời gian dài ở mức độ thấp hay cao nhất mà sẽ liên tục biến động theo các yếu tố tác động trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, tất cả những nhân tố tác động khiến giá dầu biến động hiện đều chưa thấy có khả năng sẽ đột biến trong năm 2019. Bởi thế, khả năng có thể xảy ra nhiều nhất là giá dầu mỏ có tăng hay giảm thì cũng dần dần, chứ không đột biến.
Giá dầu mỏ thế giới thường biến động thất thường và gây bất ngờ đến mức được ví như “con ngựa bất kham”. Cũng chính vì thế mà các chuyên gia rất thận trọng trong dự báo về giá dầu.
Các dự báo giá dầu năm 2019 đều lưu ý đến tác động trực tiếp tới giá dầu như triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới không được khả quan do bất ổn từ kinh tế Mỹ và châu Âu, xung đột thương mại giữa Mỹ với các đối tác thương mại, đặc biệt với Trung Quốc, cũng như việc nước Anh rời EU (Brexit). Các yếu tố này làm giảm, chứ không làm tăng giá dầu. Ngoài ra, những nhân tố về an ninh chính trị thế giới tác động theo chiều hướng cả tích cực lẫn tiêu cực tới giá dầu.
Giá dầu thế giới thường biến động thất thường và gây bất ngờ đến mức được ví như “con ngựa bất kham”. Vì thế, các chuyên gia rất thận trọng trong dự báo về giá dầu thế giới.
Trong khi đó, yếu tố đầu cơ không tác động nhiều đến giá dầu bởi hai lý do. Thứ nhất, các nhà đầu cơ dầu mỏ không thể không nhận thấy tình hình hiện tại và triển vọng trong thời gian tới. Do đó, đầu cơ dầu mỏ thì dễ nhưng kiếm bội từ đầu cơ dầu mỏ lại rất khó, nếu như không muốn nói là không thể. Thứ hai, hoạt động đầu cơ dầu mỏ không tạo ra xu thế biến động giá dầu mỏ trên thị trường mà chỉ nảy sinh từ biến động và đóng vai trò chất xúc tác thúc đẩy chiều hướng biến động đó của giá dầu.
Trong mối tương quan giữa cung và cầu trên thị trường, không chỉ có nhu cầu giảm mà cả phía cung cũng giảm, chủ yếu bởi những biện pháp hạn chế khai thác và xuất khẩu dầu mỏ của không ít quốc gia khai thác và xuất khẩu nhiều dầu mỏ lớn trên thế giới. Mỹ không thể tăng thêm đáng kể khối lượng khai thác dầu mỏ hàng ngày, trong khi các nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã liên quân cùng một số nước không phải là thành viên OPEC hạn chế hơn nữa khối lượng dầu mỏ khai thác hàng ngày.
Dự báo trái chiều
Ngân hàng UBS của Thuỵ Sỹ dự báo rằng trong năm 2019 giá dầu mỏ chỉ có tăng chứ không giảm và nhiều khả năng sẽ tăng lên mức bình quân 85 USD/thùng, tuy chưa bằng nhưng cũng gần bằng mức giá cao nhất trong năm 2018. Tuy nhiên, JPMorgan vừa cắt giảm dự báo giá dầu mỏ bình quân năm 2019 xuống còn ít nhất 73 USD/thùng, so với mức 83,5 USD/thùng được dự báo trước đó. “Chậm nhất đến năm 2020, giá dầu mỏ thế giới sẽ giảm chứ không thể tăng mãi hay dừng lại ở mặt bằng cao”, JPMorgan nhận định.
Đồng quan điểm, Bank of Amerika Meryll Lynch đưa ra dự báo giá dầu bình quân năm 2019 ở mức 70 USD/thùng. Nguyên do chính được Bank of America Meryll Lynch đưa ra là cung vẫn vượt quá cầu và biện pháp cắt giảm khối lượng khai thác và xuất khẩu dầu lửa hàng ngày của OPEC và các đối tác chưa đủ mạnh để giúp cân bằng cung cầu dầu mỏ trên thị trường. Ngân hàng Julius Baer cũng dự báo giá dầu mỏ năm 2019 sẽ ở mức 72,5 USD/thùng, nhưng về dài hạn ổn định ở mức 65USD/thùng.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nomura của Nhật Bản có quan điểm rất bi quan khi cho rằng những biến động bất thường của kinh tế thế giới có thể đẩy giá dầu thô xuống chỉ còn 20 USD/thùng.
Những tổ chức tài chính lớn có dự báo như thế, trong khi đa phần các viện nghiên cứu kinh tế lại thiên về dự báo cho rằng giá dầu mỏ trong năm tới sẽ không tăng nhanh mà cũng chẳng giảm mạnh, dao động trong biên độ 50- 60 USD/thùng.
Ai cũng biết rằng, giá dầu chịu tác động bởi nhiều yếu tố kinh tế, chính trị trên thế giới. Các yếu tố này thường xuyên biến động theo thời gian, nên các tổ chức định kỳ lại thay đổi dự báo về giá dầu. Dù vậy, việc dự báo vẫn luôn cần thiết.