Nhượng bộ Mỹ, Trung Quốc âm thầm tái thực hiện "Made in China 2025"?

Cẩm Anh 31/12/2018 06:00

Những nỗ lực của Trung Quốc để trở thành một cường quốc toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ cao đang chịu nhiều rào cản. Nhưng không có nghĩa điều đó sẽ làm cường quốc này dừng lại.

"Made in China 2025" - "điểm nghẽn" trong mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc

Hiện nay, kế hoạch nâng cấp cơ sở sản xuất của Trung Quốc trong 10 lĩnh vực chiến lược như: Robot, chất bán dẫn, hàng không và các loại xe năng lượng mới để thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài có tên gọi "Made in China 2025" đang bị chính phủ Mỹ chỉ trích mạnh mẽ.

Có thể thấy, Washington đang tiến hành một chiến dịch chống lại Huawei, một công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc với tham vọng sẽ xây dựng mạng di động 5G của thế giới.

Do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách để tránh những cuộc đối đầu hơn nữa mà không khiến các mục tiêu chiến lược dài hạn đó gặp rủi ro. Chính phủ Trung Quốc đã có động thái cắt giảm thuế đối với ô tô do Mỹ sản xuất, bắt đầu mua lại đậu nành từ nông dân Mỹ để "dọn đường" cho việc thực hiện "Made in China 2025".

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc “vỡ mộng” Made in China 2025?

    11:23, 22/12/2018

  • Cảnh giác với hạ tầng công nghệ “made in China”?

    08:00, 15/12/2018

  • "Hạ nhiệt" Made in China 2025: Bắc Kinh từ bỏ tham vọng?

    06:50, 14/12/2018

  • Chiến dịch “Made in China 2025” lao đao vì chiến tranh thương mại

    13:23, 16/09/2018

Nhưng các chuyên gia thương mại lại bày tỏ sự hoài nghi về điều này. Bắc Kinh sẽ không từ bỏ kế hoạch trở thành cường quốc thống trị ngành công nghiệp và công nghệ chỉ đơn giản là để làm hài lòng Washington. Kể từ khi "Made in China 2025" trở thành tâm điểm trong cuộc chiến thương mại, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu hạ thấp tầm quan trọng của sáng kiến này.

Một danh sách các ưu tiên mà Bắc Kinh ban hành cho chính quyền địa phương tuần trước không đề cập đến "Made in China 2025", mặc dù nó đã được đưa vào danh sách hai năm trước. Và Wall Street Journal đưa tin rằng các quan chức Trung Quốc đang phác thảo một kế hoạch thay thế cởi mở hơn cho các công ty nước ngoài và có thể được triển khai vào đầu năm tới.

"Những gì từng được coi là một chính sách loại trừ giờ đây có thể trở thành phương tiện tích cực cho sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc", Harley Seyedin, chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Nam Trung Quốc cho biết.

Các chuyên gia đã nghiên cứu vai trò của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu tỏ ra ít lạc quan hơn, nói rằng những thay đổi đó có thể chỉ là về mặt ngôn từ và hình thức. Trợ cấp và các hình thức can thiệp khác của nhà nước là cốt lõi của chiến lược phát triển của Trung Quốc.

Đất nước này đang cố gắng thay đổi cái nhìn từ bên ngoài đối với các chính sách kinh tế của mình, nhưng rất khó để có thể thực hiện cải cách sâu sắc và mang tính cơ cấu hướng tới một nền kinh tế thị trường mà Mỹ đang mong muốn.

Chiến thuật chiến tranh thương mại

Những thay đổi tiềm năng cho "Made in China 2025", cùng với các động thái xoa dịu của Bắc Kinh sau cuộc họp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina, đang được nhìn nhận là những nỗ lực nhằm đạt được tiến bộ trong việc giảm căng thẳng cuộc chiến thương mại.

Nhưng trong một bài phát biểu đánh dấu sự kiện kỷ niệm 40 năm bắt đầu chương trình "cải cách và mở cửa" của Trung Quốc tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc đã không đề cập đến bất kỳ biện pháp mới nào để mở cửa  nền kinh tế Trung Quốc ra thế giới.

Điều đó cho thấy chính phủ Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì những thay đổi chậm rãi được thực hiện trong những năm gần đây hoặc không sẵn sàng đưa ra tất cả những "quân bài" của mình trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. Bắc Kinh đang thúc đẩy một loạt các cải cách kinh tế, và họ cố gắng thể hiện chúng như một sự nhượng bộ lớn đối với các yêu cầu của Mỹ.

Mặt khác, có khả năng Trung Quốc có thể sẽ tăng cường hợp tác với các cường quốc công nghệ khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Israel; đồng thời tăng cường hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp công nghệ ở nước ngoài để đối phó lại với Mỹ trong thời gian thực hiện chiến thuật nhượng bộ về mặt thương mại.

Bàn tay hữu hình

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cho rằng, cuộc cải tổ "Made in China 2025" mang lại cho Bắc Kinh cơ hội cắt giảm vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và tạo điều kiện hơn cho việc cạnh tranh tự do.

Bất chấp tất cả các cuộc thảo luận về cải cách, các công ty nhà nước Trung Quốc đang đóng một vai trò thậm chí còn lớn hơn trong nền kinh tế dưới thời Chủ tịch Tập. Các chính sách công nghiệp đã bơm một lượng lớn trợ cấp vào các lĩnh vực như xe điện.

Trung Quốc vẫn thực hiện bảo hộ doanh nghiệp nội địa/

Trung Quốc vẫn thực hiện bảo hộ doanh nghiệp nội địa?

Theo William Zarit, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Trung Quốc cho biết, mô hình kinh doanh của một số công ty Trung Quốc chỉ là nhận trợ cấp mà không hề phát triển một sản phẩm khả thi. Nếu Bắc Kinh sửa đổi kế hoạch năm 2025 và mang đến cho các công ty nước ngoài một vị thế ngang bằng với các công ty trong nước, đó sẽ là một chiến thắng đôi bên cùng có lợi cho Trung Quốc và phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng các quan chức Trung Quốc có lịch sử thay đổi các quy tắc bằng văn bản để làm cho tình hình có vẻ công bằng hơn, nhưng sau đó, họ sẽ sử dụng các thực tiễn bất thành văn để gây bất lợi cho các công ty nước ngoài.

"Chừng nào Đảng Cộng sản còn kiểm soát hệ thống tài chính, các tài nguyên quan trọng và internet, chính phủ Trung Quốc luôn có thể thao túng sân chơi có lợi cho các công ty trong nước trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược", chuyên gia này nhận định.

Có thể thấy, những kế hoạch này rất táo bạo vì chúng không nhắm đến việc đưa các nhà sản xuất nội địa thống trị thị trường trong nước mà nhắm tới việc đưa Trung Quốc thống trị toàn thế giới và tiếp tục trở thành "điểm nghẽn" lớn ngăn cản thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Cẩm Anh