Kinh tế Trung Quốc định hình tăng trưởng chung Châu Á?
Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ tác động lớn đến kinh tế Châu Á vào năm 2019 khi nước này phải đối mặt với những thách thức bên trong và bên ngoài.
Các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại so với năm 2018 và ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên khắp Châu Á. Do đó, theo ước tính của các chuyên gia, nền kinh tế khu vực có thể sẽ tăng trưởng chậm hơn vào năm 2019.
Theo ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật Bản, một trong những thách thức chính mà Châu Á phải đối mặt là sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc, đặc biệt là trong nửa đầu năm nay.
Năm 2018, tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc tăng 6,8% trong quý I, 6,7% trong quý II, và 6,5% trong quý III, khi chính phủ cắt giảm chi tiêu cơ sở hạ tầng để giảm nợ ở cấp địa phương. Doanh số tiêu thụ ôtô giảm cũng là một trong những nguyên nhân đóng góp vào sự chậm lại này.
Có thể bạn quan tâm
Nhượng bộ Mỹ, Trung Quốc âm thầm tái thực hiện "Made in China 2025"?
06:00, 31/12/2018
Doanh nghiệp sản xuất nhôm nội “gồng mình” với nhôm giá rẻ Trung Quốc
06:51, 29/12/2018
Cùng xung đột với Mỹ, kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản sẽ ra sao trong năm 2019?
10:00, 27/12/2018
Khả năng nhận diện khuôn mặt của Trung Quốc đến đâu?
05:55, 26/12/2018
Ngoài các yếu tố trong nước, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể sẽ đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc.
Dữ liệu cho thấy, việc Hoa Kỳ áp đặt thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc đã bắt đầu có tác động khi Chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc sụt giảm trong đơn hàng xuất khẩu trong vài tháng qua.
Có thể thấy, sự tăng trưởng chậm ở Trung Quốc sẽ có hiệu ứng lan tỏa trên khắp Châu Á, vì đây là đối tác thương mại lớn đối với hầu hết các quốc gia trong khu vực.
Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin vào thị trường. Hầu hết các nền kinh tế ở Đông Nam Á bắt đầu hạ "nhiệt" vào nửa cuối năm 2018 khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang.
Một Trung Quốc thành công và giàu có hơn cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nước láng giềng. Rất có thể, chỉ trong một thời gian ngắn Trung Quốc sẽ tiến nhanh trên chuỗi giá trị.
Sau nhiều thập kỉ duy trì ảnh hưởng ở mức độ vừa phải tại Châu Á, Trung Quốc hiện giờ đã đóng vai trò chủ động và ảnh hưởng bao trùm trong khu vực.
Cải cách kinh tế sau 40 năm và hội nhập mạnh mẽ vào mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu của Trung Quốc đã tạo ra tăng trưởng kinh tế nhanh chóng khiến sức mạnh quốc gia tăng lên đáng kể.
Các chuyên gia nhận định, cái nhìn của các nước Châu Á về Trung Quốc đã dần thay đổi, từ việc xem Trung Quốc như một mối đe dọa sang nhìn nhận nước này như một cơ hội, mặc dù vẫn còn một số ngoại lệ.
Trung Quốc cũng mong muốn gắn chặt sự tăng trưởng kinh tế của mình nhiều hơn vào các tổ chức đa phương khu vực; tăng cường hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi và trở thành đối tác thương mại lớn của hầu hết các quốc gia Châu Á.
Nguồn vốn là một trong những nhu cầu cần thiết của các nước đang phát triển, Trung Quốc đã trở thành "ngân hàng chung" quan trọng về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở Châu Á, chủ yếu tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông để tạo liên kết chặt chẽ hơn với nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai.
Bên cạnh đó, Trung Quốc khéo léo tạo mối liên kết giữa các nhà sản xuất Châu Á về các tư liệu đầu vào với các thị trường của các nước phát triển tại Mỹ và Châu Âu để gắn kết lợi ích kinh tế của các công ty và các quốc gia theo cách thức "win - win".
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại với Mỹ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Năm 2019 cũng là cơ hội để các nước khu vực vươn lên và thoát dần khỏi sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh các FTA lớn trong khu vực đang bắt đầu có hiệu lực .