Chính phủ Mỹ đóng cửa: Lợi chưa thấy, hại đã rõ!

Cầm Anh 14/01/2019 16:00

Ông Trump yêu cầu 5,7 tỷ USD cho bức tường biên giới với Mexico, khúc mắc này khiến Chính phủ đóng cửa một phần. Thiệt hại đươc dự báo chừng... 6 tỷ USD!

Tòa nhà quốc hội Mỹ trong đêm 21/12 trước khi chính phủ liên bang đóng cửa.

Tòa nhà quốc hội Mỹ trong đêm 21/12 trước khi chính phủ liên bang đóng cửa.

Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần nay đã bước sang ngày thứ 23, lâu nhất trong lịch sử, phá vỡ kỷ lục được thiết lập dưới thời ông Bill Clinton.

Ông Trump kêu gọi đảng Dân chủ thực hiện một thỏa thuận và một lần nữa đe dọa sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nếu họ tỉnh táo lại. “Tôi có quyền tuyệt đối để ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia”, ông nói.

Tổng thống Mỹ tiếp tục: “Các Tổng thống khác đã ban bố các trường hợp khẩn cấp quốc gia vì những vấn đề ít quan trọng hơn. Tôi muốn thấy đảng Dân chủ quay trở lại sau kỳ nghỉ và hành động. Tôi sẽ chỉ mất 15 phút để hoàn thành một thỏa thuận và mọi người có thể quay lại làm việc”.

Có thể bạn quan tâm

  • Chính phủ Mỹ đóng cửa: Vì tiền hay cuộc đấu đá chính trị?

    11:00, 25/12/2018

  • Chính phủ Mỹ đóng cửa lần thứ 2 chưa đầy một tháng

    13:41, 09/02/2018

  • Hệ lụy từ việc Chính phủ Mỹ đóng cửa

    14:44, 20/01/2018

Một số cố vấn của Tổng thống Trump nói rằng một tuyên bố khẩn cấp đồng nghĩa với việc ông sẽ là người hành động để mở lại Chính phủ. 

Mặc dù những thách thức pháp lý sẽ đưa vấn đề này ra tòa, nhưng điều đó sẽ cho phép tổng thống thúc giục những người ủng hộ ông, đồng thời không thực sự phải đóng cửa chính phủ hoặc bắt đầu xây dựng bức tường.

Tuy nhiên, một số thành viên đảng Cộng hòa tin rằng một tuyên bố như vậy sẽ đồng nghĩa với việc chiếm quyền lực của Quốc hội Mỹ. Một số chuyên gia nói rằng họ ghét phải chứng kiến một tuyên bố khẩn cấp, một động thái đơn phương của Tổng thống sẽ vi phạm hiến pháp Mỹ và đặt ra một tiền lệ nguy hiểm.

Mặt khác, giới quan sát nhận định, đây là cơ hội để Tổng thống Trump cố gắng thu hút sự chú ý của công chúng khỏi cuộc điều tra đặc biệt của Robert Mueller, câu chuyện với Nga và các vấn đề khác của Nhà Trắng.

Nguyên nhân dẫn đến việc đóng cửa Chính phủ Mỹ là do Tổng thống Trump yêu cầu ngân sách 5.7 tỷ USD cho bức tường biên giới Mỹ - Mexico mà ông cam kết từ lâu và tuyên bố sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh quốc gia.

Nhân viên liên bang biểu tình bên ngoài điện Capitol ngày 10-1-2019. Ảnh: AP

Nhân viên liên bang biểu tình bên ngoài điện Capitol ngày 10-1-2019. Ảnh: AP

Đảng Dân chủ, những người kiểm soát Hạ viện, đã thông qua các biện pháp để mở lại chính phủ mà không tài trợ cho bức tường, mà họ coi là một phản ứng đắt đỏ, không thực tế và vô đạo đức đối với một cuộc khủng hoảng. Kết quả là một sự bế tắc chính trị khiến một phần của chính phủ không có ngân sách hoạt động.

Cho đến nay, tác động của việc đóng cửa một phần chính phủ đã ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế Mỹ. Khoảng 800.000 nhân viên đã không được trả lương.

Lưỡng viện đã bỏ phiếu đồng ý trả lương cho nhân viên liên bang bất cứ khi nào chính phủ liên bang mở cửa trở lại. Các dịch vụ quan trọng bao gồm an ninh sân bay và viện trợ dinh dưỡng cho người nghèo ở Mỹ đang bị gián đoạn, tình trạng căng thẳng bao trùm toàn bộ nước Mỹ.

Theo các chuyên gia của JP Morgan, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp Mỹ tăng 0,2 điểm phần trăm trong tháng 1/2019. Đồng thời cảnh báo tác động thậm chí có thể lớn hơn nếu việc chính phủ đóng cửa dẫn đến một sự biến chuyển lớn trong tâm lý người tiêu dùng và giới doanh nghiệp.

Thậm chí, nền kinh tế Mỹ sẽ gánh chịu thiệt hại lên đến 6 tỷ USD, vượt qua cả con số 5,7 tỷ USD mà ông Trump đề nghị cho dự án xây tường nếu tiếp tục đóng cửa!

Các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn đều đổ lỗi cho ông Trump. Tổng thống đang đùa giỡn với ý tưởng tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, phớt lờ Quốc hội và tài trợ cho bức tường từ nguồn thu liên bang hiện có. Đảng Cộng hòa bị chia rẽ về động thái này và chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức pháp lý.

Cầm Anh