Brexit "nghẽn" ở Hạ viện: Tương lai bà May bị đếm ngược?
Cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Anh (15/1) cuối cùng làm rõ nhiều vấn đề về Brexit. Với 432 phiếu chống so với 202 phiếu thuận, Hạ viện đã bác bỏ dự thảo thoả thuận Brexit.
Trước tiên, bây giờ chúng ta biết chắc chắn một điều được giả định từ lâu, phần lớn các nhà lập pháp Vương quốc Anh, dù ủng hộ hay không ủng hộ Brexit, đều không thích thỏa thuận mà Thủ tướng Theresa May đã ký với Liên minh châu Âu đến mức họ sẵn sàng vùi dập thỏa thuận.
Điều đó thể hiện ngay trong kết quả cuộc bỏ phiếu khi chính phủ của bà hứng chịu một thất bại kỷ lục - 432 phiếu chống so với 202 phiếu thuận.
Ngay cả những thành viên lạc quan nhất trong đội ngũ của bà cũng không nghĩ rằng chính phủ có thể giành được cái gọi là "lá phiếu có ý nghĩa".
Ở một số khía cạnh, mục đích của bỏ phiếu không phải là để chiến thắng, mà để cho EU thấy sức mạnh của sự phản đối đối với thỏa thuận của bà May. Nó chỉ là một trò chơi của những con số - thất bại sẽ thê thảm như thế nào?
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Anh và sức ép vô hình cận Brexit
12:15, 15/01/2019
Liên hiệp Anh nguy cơ tan rã vì Brexit?
06:55, 02/01/2019
EU năm 2018: Brexit, bạo động và vấn đề ngân sách
07:00, 17/12/2018
Trì hoãn Brexit, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
11:00, 12/12/2018
Bên cạnh đó, Vương quốc Anh vẫn đang trên đường rời khỏi EU vào ngày 29/3 - có hoặc không có thỏa thuận. Đó là vì vào ngày 29/3/2017, bà May đã gửi một thông báo tới Chủ tịch Hội đồng EU, Donald Tusk, theo Điều 50 của Hiệp ước Lisbon của EU.
Tức là, một quốc gia thành viên chấm dứt tư cách thành viên EU của mình một cách hợp pháp bằng một thỏa thuận rời bỏ được thống nhất hoặc chấm dứt ngay lập tức tất cả các sắp xếp pháp lý chung đi kèm với tư cách thành viên. Cuộc bỏ phiếu hôm 15/1 không thể thay đổi quỹ đạo đó.
Quay trở lại điểm đầu tiên, có một câu hỏi nghiêm túc cần phải được đặt ra về chính trị ở Vương quốc Anh. Chúng ta biết những gì họ chống lại, nhưng họ ủng hộ điều gì?
Trong số nhiều lựa chọn Brexit, chúng ta không biết thêm được gì về điều có thể thuyết phục đa số nghị viện mà bà May tìm kiếm. Điều này đặt quốc hội và chính phủ Anh vào trong một mớ hỗn độn, với chỉ một vài lựa chọn rõ ràng.
Sau cuộc bỏ phiếu, bà May đã thách thức nhà lãnh đạo của đảng Lao động đối lập, Jeremy Corbyn, tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm vào chính phủ. Ông Corbyn đã làm vậy, và điều này sẽ được tranh luận vào thứ Tư.
Vẫn chưa thể chắc chắn bà May đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu này. Chỉ vì các nghị sĩ bảo thủ trong đảng của bà ghét thỏa thuận Brexit, sẽ thật phi lý khi cho rằng họ sẽ hạ bệ chính phủ của chính họ!
Nhưng nếu họ làm như vậy, bà May - hoặc một nhà lãnh đạo khác - có 14 ngày để thử giành lại những lá phiếu tín nhiệm.
Nếu thất bại, thì giai đoạn tiếp theo rất có thể sẽ là một cuộc tổng tuyển cử. Chúng ta chỉ có thể giả định rằng cả hai đảng chính sẽ vận động bầu cử với lời cam kết sẽ giải quyết Brexit một lần và mãi mãi.
Vấn đề là, quá trình tổ chức một cuộc tổng tuyển cử sẽ kéo dài hơn 73 ngày từ bây giờ cho đến ngày 29 tháng 3. Vì vậy, trừ khi quy trình Điều 50 được kéo dài trong thời gian đó, thật dễ để thấy Vương quốc Anh sẽ rời khỏi EU mà không có thỏa thuận.
Nếu bà May có thể "sống sót" sau cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, bước tiếp theo rõ ràng nhất là quay trở lại Brussels và giành được sự đảm bảo hơn nữa từ EU về mối quan hệ trong tương lai, đặc biệt liên quan đến vấn đề “backstop” của biên giới Ailen.
Nhưng thỏa thuận bà May đã ký với EU về cơ bản chỉ là một thỏa thuận ly hôn ban đầu. Nó đưa Vương quốc Anh vượt quá thời hạn Brexit và bước vào giai đoạn mà hai bên tiến hành đàm phán về những gì xảy ra tiếp theo. Đến lúc đó, hầu hết các lựa chọn - ngoại trừ không có thỏa thuận và ở lại EU, - vẫn còn trên bàn đàm phán.
EU đã thể hiện quan điểm vững chắc và nhất quán kể từ khi các cuộc đàm phán thỏa thuận rời bỏ EU kết thúc rằng, sẽ không có nhượng bộ nào nữa.
Như một nguồn tin EU quen thuộc với các cuộc đàm phán nói: "bà May sẽ lên máy bay và đòi hỏi nhiều hơn từ chúng tôi thay vì tập trung và hoàn thành nhiệm vụ của bà ấy".
Không phải ai ở Nghị viện Anh cũng tin điều này. Một số người tự tin rằng nếu bà May đe dọa sẽ bỏ đi, chứng minh một lần và mãi mãi rằng quốc hội của bà ghét thỏa thuận, EU sẽ chùn bước. Đó là một chiến lược lạc quan và mạo hiểm, trong bối cảnh thời hạn Brexit đang đến gần.
Vậy, cuộc phiếu có ý nghĩa này đã cung cấp cho chúng ta thêm thông tin gì? Rất ít điều mà chúng ta chưa biết: nếu quốc hội không sắp xếp lại để đạt được điều gì đó, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu có thể hướng đến một sự chia tay đầy hỗn loạn.
Không có gì đáng kinh ngạc khi gần đến thời hạn cuối cùng, 66 triệu công dân Vương quốc Anh, hàng triệu người khác trên khắp lục địa và tất cả mọi người khác sẽ thua thiệt nếu màn đấu đá chính trị này không được giải quyết sớm.