Báo cáo "sốc" trước thềm Davos
Theo báo cáo mới của Oxfam, năm 2018, tài sản của các tỉ phú trên thế giới đã tăng 2,5 tỉ đô la mỗi ngày trong khi của cải của nhóm nghèo nhất lại giảm đi.
Trích báo cáo công bố trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos của Thụy sĩ, Oxfam cho biết 26 người giàu nhất thế giới sở hữu khối tài sản tương đương tổng tài sản của nửa nghèo nhất thế giới.
Năm 2018, tài sản của các tỷ phú tăng 12% trong khi tài sản ít ỏi của 3,8 tỷ người nghèo nhất thế giới (một nửa thế giới) lại vơi đi 11%.
Oxfam cảnh báo khoảng cách ngày càng nới rộng giữa thu nhập của người giàu và người nghèo đang làm suy yếu cuộc chiến chống đói nghèo, gây thiệt hại cho các nền kinh tế và khiến người dân bất bình.
Có thể bạn quan tâm
Điều gì sẽ xảy ra tại Davos 2019?
06:15, 22/01/2019
Huawei và “đầu mối" căng thẳng tại Diễn đàn Davos
06:30, 20/01/2019
Bất bình đẳng!
10:23, 09/11/2018
Bất bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học
07:56, 21/10/2018
Theo đó, một số tác động tiêu cực là về kinh tế: Nghiên cứu cho thấy sự bất bình đẳng làm suy giảm tăng trưởng kinh tế, khiến xã hội ít chia sẻ hơn.
Và một số tác động là xã hội: Các nghiên cứu chỉ ra rằng sự bất bình đẳng, đặc biệt là ở mức độ cao như tại Mỹ ngày nay, làm phát sinh hành vi tội phạm.
Những hiệu ứng đó có thể lấy đi một khoản lớn số tiền lương của bạn, bất kể bạn trong nhóm 99% hay 1%. Các nhà kinh tế và tổ chức kinh tế hàng đầu đang nảy ra ý tưởng rằng để tối đa hóa thu nhập và sự giàu có cho mọi người - bao gồm cả những người thu nhập cao nhất - phải có sự kiểm soát về bất bình đẳng thu nhập và tài sản.
Bất bình đẳng gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế
Đặc biệt là bất bình đẳng cao ở các quốc gia giàu có. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) từng chỉ ra rằng sự bất bình đẳng gia tăng ở Mỹ từ năm 1990 đến 2010 đã làm mất 5% GDP bình quân đầu người trong giai đoạn đó . Ảnh hưởng tương tự cũng xảy ra ở các nước giàu khác.
“Có thể thấy, cách thức bất bình đẳng làm giảm sự tiếp cận các cơ hội giáo dục cho trẻ em có nền tảng kinh tế xã hội kém, cản trở phát triển kỹ năng”, OECD cho biết.
Trẻ em từ những hộ gia đình nghèo đang bỏ lỡ các cơ hội giáo dục do chi phí đắt đỏ. Điều đó khiến các em có nguy cơ trở thành những nhân viên làm việc kém hiệu quả hơn, đồng nghĩa với mức lương thấp hơn, đồng nghĩa với việc đóng góp thấp hơn vào nền kinh tế.
Mặc dù đây rõ ràng là tin xấu cho các gia đình nghèo, nhưng điều này cũng gây thiệt hại cho những người giàu. Nếu bạn là tỷ phú - chủ sở hữu của một công ty bán lẻ hoặc sản xuất, bạn muốn mọi người có thể mua được những thứ bạn đang bán. Henry Ford đề nghị mức lương cao cho nhân viên của ông không phải vì lòng vị tha mà là vì ông muốn họ mua những chiếc xe của ông.
Bất bình đẳng phát sinh tội phạm
Điều này khá rõ ràng, nhưng đáng để nhấn mạnh một vài nghiên cứu chính: Nếu bạn có một xã hội chia rẽ mạnh mẽ giữa người thắng và người thua, một số người thua cuộc sẽ kết luận rằng trò chơi bị gian lận và họ không cần phải chơi theo quy tắc.
Chẳng hạn, một nghiên cứu của Trường Kinh tế London năm 2016 chỉ ra rằng khoảng cách thu nhập lớn hơn giữa các khu phố lân cận Mỹ đã dẫn đến nhiều tội phạm về tài sản ở các khu phố giàu có hơn. “Khác biệt về thu nhập tạo ra động cơ cho những người tương đối nghèo ăn cắp từ các hộ gia đình giàu hơn”, các tác giả giải thích.
Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2002 cho thấy mối tương quan mạnh mẽ giữa bất bình đẳng và tỷ lệ tội phạm bạo lực, cả trong phạm vi quốc gia và giữa các quốc gia.
Các tác giả cho biết mối quan hệ dường như là quan hệ nhân quả, ngay cả sau khi kiểm soát một số yếu tố quyết định tội phạm khác.
Hàm ý ở đây là mức độ bất bình đẳng cao tạo ra một giai cấp nghèo vĩnh viễn buộc phải cạnh tranh, đôi khi bằng bạo lực, với chính họ hoặc với các giai cấp khác cho những tài nguyên trở nên khan hiếm.
Hiện tượng này đặc biệt rõ ràng ở Mexico ngày nay. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), do sự gia tăng của các băng đảng trong cuộc chiến ma túy của đất nước, các chi phí của hành vi tội phạm giảm khi kiến thức và kỹ năng phạm tội tràn ngập trong toàn bộ dân số.
Trong khi đó, mức độ bất bình đẳng cao ở Mexico (hệ số Gini: 48,2) có nghĩa là lợi ích dự kiến của hành vi tội phạm tăng lên. Những gì bạn nhận được là sự kết hợp hoàn hảo những động cơ cho tội phạm bạo lực.
Đáng để chỉ ra rằng bất bình đẳng không phải là yếu tố duy nhất tác động đến hành vi tội phạm. Ví dụ, tại Mỹ, tỷ lệ tội phạm bạo lực đã giảm kể từ đầu những năm 1990 ngay cả khi bất bình đẳng gia tăng.
Có rất nhiều yếu tố tác động: chính sách, tăng trưởng kinh tế nói chung, thậm chí môi trường... Điều mà các nghiên cứu trên cho thấy là, nếu sự gia tăng bất bình đẳng ít nghiêm trọng hơn, tỷ lệ tội phạm của Mỹ sẽ còn giảm hơn nữa.
Tương tự, rất nhiều yếu tố bên cạnh bất bình đẳng có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng sự nhất trí trong các nghiên cứu ở trên, đặc biệt là liên quan đến các nước giàu có với mức độ bất bình đẳng cao, cho thấy bất bình đẳng sẽ có hại cho tất cả chúng ta về lâu dài.
Đó là lý do tại sao các tổ chức như OECD, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và WB đang ngày càng gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề này: Bất bình đẳng tăng vọt làm tổn thương tất cả mọi người bất kể tình trạng kinh tế.
Tuy vậy, một bộ phận đáng kể các cử tri Mỹ đã phản ứng với sự gia tăng bất bình đẳng chưa từng thấy vào đầu thế kỷ 21 với một sự hờ hững.
Nhiều người Mỹ coi sự bất bình đẳng là kết quả tự nhiên khi tài năng và khả năng phân bố không đồng đều trong toàn xã hội - người giàu có giàu vì họ làm việc chăm chỉ hơn, thông minh hơn và năng suất hơn mọi người khác.
Nhưng ngay cả khi thế giới cảm thấy rằng người giàu xứng đáng hưởng phần lớn thu nhập quốc gia vì tài năng, năng suất và sự chăm chỉ của họ, sự bất bình đẳng không được kiểm soát đồng nghĩa với ít thu nhập hơn cho mọi người, ngay cả người giàu.